Đà Nẵng đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng kinh tế

Vũ Thành|12/07/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước, đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 1 bậc, so với cùng kỳ năm ngoái.

Sáng 12/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 12 để đánh giá tình hình các mặt công tác 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và cho ý kiến một số nội dung theo Quy chế làm việc.

kinh-te-da-nang.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhấn mạnh: “Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để Đảng bộ thành phố đánh giá kết quả bước đầu và xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thành công các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023 và chuẩn bị cho việc đánh giá, sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII”.

Do đó, để Hội nghị đạt kết quả như mong muốn, đồng chí Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu, cho ý kiến có chất lượng các vấn đề như: làm rõ thực trạng và nguyên nhân của các mặt đạt được, nhất là các mặt chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được và biện pháp khắc phục như: công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên (từ đầu năm đến nay mới chỉ kết nạp 589 đảng viên mới, tỷ lệ kết nạp đảng viên so với số lượng đảng viên đầu năm là 0,97%); đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đây đang thực sự là lực cản trong quá trình phục hồi và phát triển của thành phố.

Đồng chí Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các giải pháp thực hiện chủ đề năm, thúc đẩy tăng trưởng GRDP của thành phố, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu. Đảm bảo tiến độ xây dựng, trình duyệt quy hoạch thành phố, lập quy hoạch phân khu, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bàn giao mặt bằng tại các dự án, việc thu ngân sách nhà nước; cải thiện một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường kinh doanh của thành phố như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số Cải cách hành chính....

Bên cạnh những nội dung trên, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng yêu cầu Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến 02 nội dung là: Báo cáo về dự kiến Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; Báo cáo xin ý kiến về 4 đồ án quy hoạch phân khu: Ven sông Hàn và bờ Đông; quy hoạch phân khu Đổi mới sáng tạo; quy hoạch phân khu Sân bay; quy hoạch phân khu Ven vịnh.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình các mặt công tác của Đảng bộ thành phố cơ bản giữ được sự ổn định và phát triển. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng, tập trung lãnh đạo sơ kết, đánh giá các hoạt động sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội gắn với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Kết quả xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến khả quan. Thành phố đang tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành đề án, cơ chế, chính sách quan trọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến dự án, đất đai... để tạo điều kiện phát triển thành phố thời gian đến.

Kinh tế duy trì sự tăng trưởng, GRDP tăng 3,74% so cùng kỳ, đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng kinh tế; trong đó hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ gấp gần 3 lần, doanh thu lưu trú, lữ hành tăng 117%, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 32,7%. Đã khởi công và khánh thành nhiều công trình, dự án theo kế hoạch nhằm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt; lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, lành mạnh. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra vụ việc phức tạp, nổi cộm; tai nạn giao thông đường bộ giảm sâu trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần quan tâm như: Sự chống phá của các thế lực thù địch, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực… vẫn còn hiện hữu, tác động sâu sắc đến tư tưởng, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên còn gặp nhiều khó khăn, đạt thấp so với kế hoạch. Tình trạng đảng viên là cán bộ, công chức xin nghỉ việc vẫn còn diễn ra.

Kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều gặp khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GRDP chưa đạt như kỳ vọng. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, các chuyến bay thương mại quốc tế đến Đà Nẵng chưa khôi phục hoàn toàn so với thời điểm trước dịch COVID-19. Một số lĩnh vực, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động của tình hình địa kinh tế - chính trị thế giới; khu vực công nghiệp, xây dựng suy giảm; thị trường xuất khẩu không thuận lợi; tiêu dùng trong dân có xu hướng giảm.

Công tác lập quy hoạch phân khu chưa đảm bảo kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Một số công trình trọng điểm tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ. Công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch (chỉ đạt 19,5% Kế hoạch so với yêu cầu là 30%). Chưa tập trung giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc về dân sinh, trật tự đô thị.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 39,2% so cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 17,8%; từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể 265 doanh nghiệp, tăng 6,9% so cùng kỳ, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký 539 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm 2.599 tỷ đồng.

Tiến độ thu ngân sách nhà nước chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ (thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 10.033,3 tỷ đồng, bằng 42,7% dự toán và gần bằng 75% so cùng kỳ).

Một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường kinh doanh của thành phố như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số Cải cách hành chính tụt hạng. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả; một bộ phận cán bộ, công chức còn né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ do hệ thống pháp luật còn bất cập, không đồng bộ và tư tưởng cán bộ còn e dè, sợ sai trong việc nghiên cứu, áp dụng pháp luật. Tình trạng nhũng nhiễu chưa được khắc phục triệt để.

Tiến độ xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, bản án chưa đạt yêu cầu đặt ra tại Chủ đề năm 2023 của Thành ủy.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp, tình trạng tập trung đông người, khiếu kiện về đất đai kéo dài; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên và tội phạm công nghệ cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng kinh tế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.