Đá tự di chuyển tại Thung lũng chết

Theo Khoa học phát triển|18/04/2019 03:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện tượng đá tự di chuyển

– Hiện tượng chuyển động kỳ lạ của các hòn đá ở Thung lũng chết đòi hỏi sự phối hợp của nhiều điều kiện môi trường khác nhau bao gồm: nước, nhiệt độ thấp vào mùa đông và tốc độ gió đủ lớn.

>>>Ngôi làng ở Nga biến mất mỗi khi có gió to

>>>Hồ nước nên thơ đột nhiên xuất hiện ở Thung lũng Chết chỉ sau một ngày

Racetrack Playa là một hồ nước đã bị khô cạn nằm ở Thung lũng chết, bang California, Mỹ. Nơi đây khá nổi tiếng với một hiện tượng địa chất kỳ lạ được quan sát từ đầu những năm 1900. Cụ thể, các hòn đá trong khu vực này dường như có khả năng tự di chuyển, đôi khi người ta còn gọi chúng là đá trượt, đá lăn. Mặc dù các nhà khoa học đã nghiên cứu về hiện tượng này trong thời gian dài, nhưng trước đây chưa ai đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.

Hiện tượng đá tự di chuyển cũng được ghi nhận ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng Racetrack Playa là địa điểm nổi tiếng nhất. Mặc dù lòng hồ Racetrack Playa thường khô cạn và nứt nẻ vào mùa hè, nhưng đôi khi nó vẫn có nước tích tụ trên bề mặt sau khi trời mưa lớn hoặc tuyết từ các đỉnh núi xung quanh tan chảy. Vào mùa đông, bề mặt hồ có những lớp băng tuyết mỏng bao phủ không liên tục.

Sự dịch chuyển của các hòn đá tạo ra những đường trượt dài phía sau. Ảnh: Discovery News

Đá với nhiều kích thước khác nhau nằm rải rác bên trong lòng hồ. Hầu hết chúng là những khối đá có đường kính nhỏ (từ 15 cm đến 45 cm), nhưng đôi khi cũng xuất hiện những tảng đá khổng lồ nặng hơn 300 kg. Các hòn đá chỉ di chuyển từ hai năm đến ba năm một lần, và tất cả chúng không di chuyển cùng lúc hoặc theo cùng một hướng.

Trong cuốn sách “Bí ẩn của thế giới: Những kỳ quan không giải thích được và các hiện tượng huyền bí”, tác giả Herbert Genzmer và Ulrich Hellenbrand mô tả rằng, mỗi hòn đá đều có lộ trình riêng, có hòn đi thẳng, có hòn lại đi theo hình lượn sóng hay rẽ trái, phải. Có những hòn đá có khối lượng bằng nhau, hình dáng cũng giống nhau nhưng di chuyển với quãng đường khác nhau.

Sự dịch chuyển của chúng để lại phía sau những đường trượt kéo dài hàng trăm mét, trông giống như đường mòn. Điều thú vị là chưa có ai tận mắt chứng kiến sự di chuyển của những hòn đá này, và không ai biết tốc độ di chuyển của chúng ra sao.

“Những hòn đá di chuyển bằng cách nào?” luôn là câu hỏi mà rất nhiều người muốn giải đáp, từ khách du lịch cho đến các nhà khoa học. Một số giả thuyết được đưa ra để giải thích hiện tượng này, trong đó giả thuyết được nhiều người chấp nhận là đá di chuyển nhờ lực hấp dẫn.

Tuy nhiên, giả thuyết sau đó đã bị bác bỏ khi các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình của khu vực. Lòng hồ Racetrack Playa rất bằng phẳng, phía nam thấp hơn phía bắc không đáng kể, chỉ vài centimet. Bởi vậy, các hòn đá sẽ rất khó dịch chuyển do địa hình không có độ nghiêng đủ lớn.

Một số chuyên gia lại có cách giải thích khác. Họ cho rằng hiện tượng đá tự di chuyển là do ảnh hưởng của từ tính, gió mạnh, bão bụi, sự trơn trượt của băng, hoặc là kết quả của các trường năng lượng bí ẩn. Thậm chí có người còn liên tưởng đến sự xuất hiện của người ngoài hành tinh, hoặc tin rằng những viên đá có đặc tính ma thuật.

Các thí nghiệm thực tế

Nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính đúng đắn của các giả thuyết mà họ đưa ra. Năm 1948, Jim McAllister và Allen Agnew – hai nhà địa chất làm việc tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) – đã tới Thung lũng chết để tìm kiếm câu trả lời. Họ đề xuất rằng, lốc bụi [hay quỷ bụi] kết hợp với hiện tượng ngập nước không liên tục của hồ Racetrack Playa là nguyên nhân khiến những hòn đá di chuyển. Năm 1952, một nhà địa chất khác đã làm thí nghiệm kiểm tra giả thuyết của McAllister và Agnew.

Ông phun nước làm ướt một khu vực nhỏ của lòng hồ Racetrack Playa, sau đó sử dụng cánh quạt máy bay để tạo ra những cơn gió mạnh. Nhưng kết quả cuối cùng không có hiện tượng gì xảy ra với những hòn đá.

Vào đầu thập niên 1970, hai nhà địa chất bao gồm Robert Sharp tại Đại học Công nghệ California và Dwight Carey tại Đại học Los Angeles (Mỹ) tiến hành một thí nghiệm để xem băng có phải là nguyên nhân gây ra sự chuyển động của đá hay không. Các nhà khoa học đã đến lòng hồ Racetrack Playa hai lần một năm và ghi chép tỉ mỉ chuyển động của 30 hòn đá. Họ đặt tên cho từng hòn đá, trong đó khối đá lớn nhất nặng hơn 300 kg được gọi là Karen. Nhóm nghiên cứu cắm cọc gỗ xung quanh những viên đá. Nếu các tảng băng chịu trách nhiệm đẩy đá di chuyển, chúng sẽ bị các cọc gỗ giữ đứng im một chỗ và do đó làm bất động những hòn đá.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là một số hòn đá vẫn có thể di chuyển thoát ra ngoài vòng cọc gỗ. Hai nhà địa chất học không tận mắt nhìn thấy chúng di chuyển như thế nào, mặc dù họ đã theo dõi thường xuyên.

Mọi chuyện dần trở nên sáng tỏ sau thí nghiệm của một nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego (Mỹ). Vào mùa đông năm 2011, Jim Norris và Richard Norris mang đến hồ Racetrack Playa một trạm khí tượng để đo vận tốc gió, đồng thời gắn thiết bị định vị GPS lên 15 hòn đá. Bởi vì các hòn đá hiếm khi dịch chuyển nên các nhà khoa học đã chuẩn bị tinh thần phải chờ đợi rất lâu. Dẫu vậy, họ đã may mắn khi tới thăm vùng lòng hồ Racetrack Playa vào tháng 12/2013 và phát hiện nơi này được bao phủ trong nước, sâu tới 7 cm.

“Vào ngày 21/12/2013, việc nứt vỡ băng xảy ra vào khoảng giữa trưa với những tiếng nổ lách tách từ bề mặt nước đóng băng. Tôi gọi Jim và nói: Đây chính là thứ chúng ta cần tìm”, đồng tác giả nghiên cứu Richard Norris nhớ lại.

Các nhà khoa học phát hiện, hiện tượng đá di chuyển đòi hỏi sự phối hợp của nhiều điều kiện khác nhau. Trước tiên vùng lòng hồ phải ngập nước, đủ sâu để hình thành băng đá nổi trong mùa đông nhưng vẫn đủ cạn để đá lộ ra. Khi nhiệt độ giảm vào ban đêm, mặt hồ đóng băng thành các mảng băng mỏng.

Trong khi đó, lớp bên dưới vẫn là nước. Mặt trời ló rạng, nhiệt độ tăng sẽ làm băng nứt thành từng mảng trôi nổi. Những tảng băng này được gió thổi trôi đi, mang theo các hòn đá dịch chuyển về phía trước tạo thành vệt dài trên mặt hồ. Trong hai tháng rưỡi, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 5 lần đá dịch chuyển.

“Nhờ những cơn gió có vận tốc 3 – 5 m/giây, lớp băng mỏng với độ dày từ 3 – 5 mm có thể đẩy các hòn đá dịch chuyển trên bề mặt với tốc độ vài cm/giây, một tốc độ rất khó nhận biết nếu quan sát ở khoảng cách xa. Có thể khách du lịch đã thực sự nhìn thấy điều này nhưng không thể nhận ra. Thật khó để đánh giá rằng một hòn đá đang chuyển động nếu tất cả các khối đá xung quanh nó cũng đang di chuyển”, Jim Norris cho biết.

Theo Khoa học phát triển


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đá tự di chuyển tại Thung lũng chết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.