Đặc sắc lễ hội mùa Xuân Tây Bắc

Sùng Hoa|27/01/2023 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mùa Xuân là mùa của rất nhiều lễ hội, trải dài từ Bắc đến Nam. Với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, lễ hội đầu Xuân càng mang nhiều ý nghĩa hơn bởi đây không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn là thời khắc quan trọng để bà con cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Hầu như mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có những ngày lễ hội riêng, được xem như di sản văn hóa đặc biệt. Với đồng bào khu vực Tây Bắc, lễ hội tập trung chủ yếu vào tháng Giêng, tháng Hai của mùa Xuân. Những lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng được phần nào khát vọng trở về cội nguồn, thể hiện nét sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân.

Lễ hội xuống đồng ngày Xuân của dân tộc Tày, Dao

tay-bac.jpg
Điệu múa "Tây Bắc mùa Xuân về" trong Lễ hội xuống đồng ngày Xuân.

Lễ hội xuống đồng ngày Xuân của đồng bào dân tộc Tày và dân tộc Dao được tổ chức vào ngày mùng 8 Tết Âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội vùng cao đặc sắc nhất ở Sapa thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách gần xa tới tham dự.

Lễ hội được chia thành nhiều phần, trong đó có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức tâm linh bao gồm tục rước đất, rước nước, lễ cúng, cày đồng,… Tục rước đất, rước nước được tổ chức từ sáng sớm khi trời còn chưa rõ mặt người.

Phần hội bao gồm nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc cùng những trò chơi truyền thống của người Tày, người Dao. Các điệu nhảy sạp, múa xòe dập dìu trong tiếng kèn, tiếng trống vang dội, màn tái hiện “đám cưới người Dao đỏ” hay những tiết mục múa “Tây Bắc mùa Xuân về” làm say đắm bao trái tim du khách nơi đây.

Các trò chơi dân gian, như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ... được tổ chức tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con và du khách trong những ngày đầu năm mới.

Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông

Vào dịp đầu Xuân, trên khắp các bản làng vùng cao của người Mông, đâu đâu cũng tràn ngập không khí đón Xuân. Một trong những lễ hội luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia đó là Lễ hội Gầu Tào.

Gầu Tào là một lễ hội độc đáo của người Mông có từ rất lâu đời, luôn được mọi người dân trông chờ nhất vào dịp đầu Xuân, tuy nhiên lễ hội này đã nhiều năm không được tổ chức, chỉ trong một vài năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, lễ hội mới được tổ chức trở lại ở một số vùng của người Mông như: Pha Long - Mường Khương; San Sả Hồ - Sa Pa; Phong Liên - Bảo Thắng... tạo nên không khí rộn ràng đầu Xuân trên khắp các vùng người Mông ở Lào Cai.

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi “xanh hấu tào, xanh hấu pề” phù hộ gia đình sinh được người con trai... Gia đình sẽ tổ chức lễ Gầu Tào trong 3 năm hoặc 5 năm mời anh em, họ hàng, bà con người Mông đến chia vui và tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần.

Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó, lúc đầu nó chỉ đơn thuần là gắn liền với việc cầu tự “cầu con”, do một gia đình nào đó trong làng đứng lên tổ chức nên chỉ những gia đình giàu có mới tổ chức được lễ hội này. Sau này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng làng. Bởi vậy, ngoài ý nghĩa ban đầu của lễ đã có sự biến đổi. Ngoài việc cầu con, còn cầu sức khỏe, cầu may mắn, cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng..

Tùy từng vùng người Mông mà lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau. Theo truyền thống trước đây của người Mông, lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, nhiều vùng chọn tổ chức vào ngày Thìn (rồng) của đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trước đây, việc tổ chức lễ hội do một gia đình đứng ra nhưng có sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, những người già làng, trưởng bản. Gia đình sẽ phải nhờ một người có uy tín, kinh nghiệm là chủ lễ. Người chủ lễ sẽ cùng gia đình chọn một người làm chủ cúng; một đội làm nhiệm vụ bảo vệ lễ hội; một đội phục vụ nấu ăn phục vụ anh em về tham dự lễ hội. Lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức ở những khu vực đất đai bằng phẳng, rộng rãi, có thể chứa được nhiều người tham gia, thường là tổ chức trên một quả đồi. Trước ngày diễn ra lễ hội, gia đình cử người dựng cây nêu để báo hiệu cho dân làng biết là năm nay ở địa điểm này tổ chức Lễ hội Gầu Tào để mọi người rủ nhau đến dự hội, đồng thời gia đình cử người đi mời anh em ở xa về dự lễ với gia đình. Mọi người trong làng biết tin cũng tự thông báo cho nhau để về xem lễ hội.

Lễ hội Hoa Ban của dân tộc Thái

Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai Âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa Xuân, mọi người khắp nơi trên cả nước đón trào mùa du lịch Mộc Châu, hoa Ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc, hứa hẹn một mùa màng bội thu trên các nương rẫy và trên các khu vườn.

Lễ hội Hoa Ban (hay còn gọi là lễ hội Xên Mường) là lễ hội cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 5 tháng 2 Âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.

Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: Đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, vò nhỏ được bê ra chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái áo quần, khăn váy chỉnh tề, rủ nhau đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.

Nếu như lễ hội Xên Bản (2 năm/ lần) chỉ diễn ra trong phạm vi của bản, mục đích là "cầu thần phù hộ” và cúng "rửa lá, xua đuổi thần trùng”, ít tổ chức các trò vui, thì lễ hội Xên Mường (3 năm/lần) lại được tổ chức rất to, thu hút nhiều người tài giỏi của toàn mường tham gia. Lễ hội Xên Mường diễn ra trong ba ngày. Phần lễ tưng bừng, trang nghiêm, thành kính với đám rước và lễ cúng tế trời đất, các thế lực siêu nhiên. Phần hội chiếm phần lớn thời gian với các cuộc thi bắn súng hoả mai, cung nỏ, ném còn, chọi gà,… Đặc biệt, trong tiếng trống tiếng chiêng tưng bừng của ngày hội, vòng người múa xoè hầu như diễn ra liên tục, tưởng như không ngừng nghỉ. Đối với nam, nữ thanh niên trong mường, đêm cuối hội là đêm vui nhất. Giữa khung cảnh thơ mộng của núi rừng, các cuộc thi hát giao duyên hoà cùng tiếng khèn, tiếng sáo kéo dài cho đến tận khuya. Từ cuộc vui này, nhiều mối tình chớm nở và biết bao đôi trai gái nên vợ - chồng. Vì thế, đêm cuối cũng là đêm để lại nhiều kỷ niệm nhất.

Lễ hội nhảy lửa người Dao đỏ

Một trong những lễ hội mùa Xuân độc đáo, lạ lùng, nhiều người biết đến ở miền núi cao Tây Bắc là lễ hội nhảy lửa. Lễ hội nhảy lửa thường được dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm đến ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch. Theo quan niệm của các dân tộc này, tổ chức lễ hội nhảy lửa để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu mong thần linh tiếp tục che chở phòng tránh được tai ương, cuộc sống ấm êm no đủ.

Người tham gia lễ hội nhảy lửa là đàn ông con trai trong làng trong bản. Nhìn chung, các nghi thức lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tương tự dân tộc Dao thường được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trên sân đốt một đống củi to, khi đống củi rực cháy, than hồng, thầy cúng bắt đầu làm lễ. Các chàng trai tham gia nhảy lửa sẽ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực nhảy bằng đôi chân trần của mình mà không sợ bỏng rát.

Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3 - 4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ. Một người có thể tham gia nhảy lửa nhiều lần, chàng trai nhảy lửa khéo léo, nhanh nhẹn luôn nhận được sự thán phục và ngưỡng mộ của những người tham gia lễ hội.

Lễ hội Cầu an Bản Mường

le-hoi-tay-bac.jpg
Lễ hội Cầu an thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai Âm lịch hàng năm (dịp Tết Nguyên đán).

Lễ hội Cầu an Bản Mường được xem là một trong những lễ hội truyền thống. Mang ý nghĩa rất quan trọng với người dân tộc Thái tại vùng núi Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai Âm lịch hàng năm (dịp Tết Nguyên đán).

Lễ hội Cầu an Bản Mường liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa tâm linh của cả Bản Mường. Bên cạnh đó còn liên quan đến mùa màng, sức khỏe và công việc làm ăn trong năm. Do vậy, lễ hội được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ. Thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (Bản Mường). Trong lễ hội mọi người không chỉ bộc lộ khát vọng cầu an cho cuộc sống. Mối quan hệ khăng khít giữa thần và người. Mà còn biểu hiện khát vọng sinh sôi qua sự mong muốn là cầu khẩn mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi. Ngoài ra, còn mang tính chất tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho mọi người.

Lễ hội được tổ chức tại một đất bãi rộng, nơi có nguồn nước trong lành. Nhiều khi người dân chọn nguồn nước thiêng của bản hoặc ở bìa rừng nơi có nhiều cây cối xanh tươi ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng. Thường thì ngay từ dịp Tết Nguyên đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm) với nhiều nghi thức tâm linh và hoạt động đời sống hàng ngày.

Tại đây, người dân thực hiện nghi lễ cúng thần linh cơ bản là hiến sinh trâu. Nhưng đa số người Thái hiến tế cặp trâu đen – trắng cỡ từ mười tuổi trở lên, trong đó, con trâu trắng chính là vật thiêng để lễ tế thần. Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an Bản Mường là a nha, tuy nhiên người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng (mo Mường).

Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia. Đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của Mường. Sau nghi lễ tế thần sẽ là cuộc ăn uống cộng cảm vui vẻ nhưng phải đúng nghi lễ của tất cả người dân trong làng. Các ông mo Mường, làm phép ở mâm cỗ chính, rồi đi từng mâm. Ở mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu. Kế đó, cả bản ăn uống vui vẻ cho bằng hết các mâm trên bàn ăn gỗ, không được bỏ thừa hay đem về. Cuối cùng là những trò bách hý trong hội lễ: Hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao… rất vui vẻ với tiếng chiêng, trống vô cùng náo nhiệt.

Lễ hội Cầu an Bản Mường là một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái thể hiện niềm tin, sức mạnh của con người. Cầu phúc cho một cuộc đời hạnh phúc, an bình…

Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy Tả Van

Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy là hội để cầu mùa, mở đầu cho một năm mới thuận lợi, cầu mong thần linh phù hộ cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh.Theo tiếng Giáy thì “Roóng” nghĩa là xuống, còn “Poọc” nghĩa là đồng ruộng, do đó, đây là một lễ hội được tổ chức ở cánh đồng, nằm bên dòng suối Mường Hoa thơ mộng.

Từ sáng sớm các chức sắc trong làng đến nhà chủ làng để chuẩn bị các đồ cúng thần, cầu treo vòng mặt trời… Khi dân bản có mặt đông đủ và việc sắp lễ xong, thầy cúng khấn cúng, đọc tên các lễ vật và xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để.

Ngay sau khi phần lễ kết thúc là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn Pí Lè tấu lên như báo tin ngày hội Roóng Poọc bắt đầu. Đó là thời khắc vào cuộc chơi, nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui như thi cày ruộng thi ném còn, thi bịt mắt bắt dê, thi đánh đu, kéo co…không khí vô cùng rộn ràng, nhộn nhịp, người hò người hét, người ghép duyên, khuấy động không gian yên tĩnh giữa đại ngàn. Lễ hội Roóng Poọc là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm chất tâm linh và huyền bí với đời sống tinh thần của người Giáy.

Lễ hội Xên Bản, Xên Mường

Lễ hội Xên Bản, Xên Mường hay lễ hội cầu an có từ thế kỷ 13 là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái, Tây Bắc, cúng người lập nên bản làng Mường. Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của Mường Thanh xưa, là dịp để tạ ơn trời đất, tổ tiên, tỏ lòng biết ơn những đến các vị thần linh đã khai sáng ra lập bản, dựng mường; cầu xin trời đất cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển, cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Xên Mường, Xên Bản thường diễn ra khi mùa hoa ban nở khoảng tháng Giêng hoặc tháng 2 Âm lịch. Lúc này tiết trời nắng ấm, trên nương, trên rẫy lúa chiêm đang xanh mơn mởn.

Sau phần lễ cũng là phần lễ hội chính thức được bắt đầu với nhiều hoạt động vui chơi. Ngày đầu tiên của lễ hội chủ yếu là làm lễ và múa hát, đánh trống chiêng. Ngày thứ hai có tổ chức thi bắn súng và cung nỏ.

Ngoài ra còn nhiều trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái như: Keng loóng, đánh trống chiêng, chơi cù quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp…không gian lễ hội độc đáo đã thu hút rất nhiều du khách đến và trải nghiệm. Hội Xên Mường, Xên Bản là thể hiện những khía cạnh vô cùng phong phú, đa dạng và sinh động của truyền thống văn hóa dân tộc Thái, là những nét truyền thống, văn hoá dân tộc cần được bảo tồn và duy trì.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đặc sắc lễ hội mùa Xuân Tây Bắc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.