Đặc sắc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam"

Minh Lâm|13/11/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sự kiện tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.

Chào mừng 93 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), từ ngày 22 - 26/11, tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Đây là sự kiện thường niên do Bộ VHTT&DL phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện, với nhiều hoạt động tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 có sự tham gia của khoảng 200 đồng bào của 15 dân tộc, bao gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer.

dai-doan-ket.png
Ảnh minh họa.

Trong số này có gần 100 đồng bào của 15 cộng đồng hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tới từ các địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng.

Ngoài ra, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ huy động khoảng 30 đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa và 30 đồng bào dân tộc Nùng tỉnh Bắc Kạn tham gia sự kiện. Đoàn nghệ nhân đồng bào, diễn viên quần chúng của một số địa phương sẽ tham gia ngày hội trình diễn cây Nêu.

Để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đồng bào dân tộc Nùng đến từ tỉnh Bắc Kạn sẽ tái hiện lễ Cấp sắc pụt (lẩu pụt); hát Sli - di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được Bộ VHTT&DL công nhận.

Đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Thanh Hóa tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội thưởng hoa), giới thiệu nét đẹp trang phục Mường và một số nét văn hóa diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian.

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 có các nhóm hoạt động chính, gồm: Chương trình Khai mạc và Ngày hội trình diễn cây Nêu, giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023.

Bên cạnh đó, Làng còn tổ chức một số hoạt động khác như Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ (tại Khu các làng dân tộc III, làng dân tộc Khmer); Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (Khu các làng dân tộc II, các làng dân tộc Ê Đê, Raglai, CơTu, Tà Ôi, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai) điểm nhấn tại làng Ê Đê; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (Khu các làng dân tộc I trong đó làng Mường là điểm nhấn) và Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại Sân lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 sẽ góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch thiết thực.

Thông qua sự kiện này sẽ lan toả, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hoá 54 dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam"