Sáng 3/11, Quốc hội bước vào thảo luận đầu tiên trong 3 ngày nghị sự về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước.
Trong phiên thảo luận, 23 đại biểu đã đăng đàn nêu ý kiến, 2 người tham gia tranh luận và 2 Bộ trưởng giải trình. Trong đó, vấn đề liên quan đến lũ lụt ở miền Trung, thủy điện và giữ rừng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến
Đại biểu Mai Sỹ Diến nhận định, thảm họa lũ lụt miền Trung vừa qua cho thấy tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây thiên tai, mưa lũ, hạn hán xâm nhập mặn ở nước ta ngày càng bất thường. Việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện trước tác động của biến đổi khí hậu đặt ra thách thức ngày càng lớn.
Lấy ví dụ năm 2016 – 2017, những bậc thang thủy điện với hồ chứa lớn vào mùa mưa phải xả lũ, tạo nên sự cố lũ chồng lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhiều vùng hạ du. Đến năm 2018 – 2019 lại xảy ra hạn hán, lượng nước các hồ chứa bị thiếu hụt, không đảm bảo cho nông nghiệp vào mùa khô. Năm 2020, cả nước vừa chứng kiến những sự cố đau lòng liên quan đến thủy điện vừa và nhỏ. Ông Diến nhìn nhận, việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay nhiều bất cập.
“Vì sao có chuyện xả lũ đúng quy trình mà người dân hạ du vẫn bị bất ngờ, gây thiệt hại tài sản, mùa màng của người dân. Vấn đề này rất cần có câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước cử tri và Quốc hội”, ông Diến đặt vấn đề.
Ông Diến cũng nhấn mạnh, việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay nhiều bất cập. “Tại sao vẫn có chuyện xả lũ đúng quy trình mà người dân hạ du bị bất ngờ, thiệt hại về sản xuất, tài sản. Vấn đề này rất cần có câu trả lời của Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước cử tri và Quốc hội”, ông Diến nói.
Theo phân tích của vị đại biểu này, bản chất vận hành, điều tiết, cắt giảm lũ hay xả lũ là giải quyết vấn đề an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn vùng hạ lưu cho người dân và sử dụng hiệu quả nguồn nước cho ngành điện? Đặt lợi ích nào lên trên cũng là câu hỏi của cử tri, đại biểu dân cử đến cơ quan chức năng nhằm bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm trong công tác vận hành.
Các thủy điện xả lũ khiến người dân không kịp trở tay.
Xác định công trình thuỷ lợi, thuỷ điện là một hệ thống để tăng cường an toàn cho vùng hạ du trong việc kiểm soát lũ, đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng biến đổi khí hậu, ông Diến đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ hướng đầu tư công cụ đo đếm, dự báo để vận hành đầy đủ quy trình điều tiết nước, giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố cho hạ du.
Bên cạnh đó, các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ, thuỷ điện nào gây ngập vượt mốc giới, ảnh hưởng đời sống người dân thì phải đền bù.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giám sát chủ đầu tư các công trình hồ đập, vận hành các thuỷ điện hiệu quả hơn, nhất là trước những thời điểm có khả năng thiên tai như bão lũ, hạn hán.
Ông đề nghị Chính phủ giao các đơn vị đầu tư công cụ quan sát, đo đếm để vận hành an toàn hồ đập, điều tiết nước nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố.
Các đơn vị xây dựng hoàn chỉnh bản đồ ngập lụt vùng hạ du làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập. “Hồ thủy điện xả lũ ảnh hưởng người dân đến đâu thì phải giải quyết, đền bù đến đó”, ông nói và đề nghị đánh giá cụ thể của biến đổi khí hậu đến từng hồ đập để có giải pháp cụ thể.
Quỳnh Anh