Quản lý chặt đối với những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường

Mai Anh|26/10/2020 03:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một trong những vấn đề còn ý kiến rất khác nhau qua nhiều vòng thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là phân loại dự án đầu tư có tác động môi trường.

Dự án nguy cơ cao mới phải đánh giá ĐTM

Ngày 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại Báo cáo về những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường nói chung là phù hợp. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa Dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội theo hai phương án, đồng thời các điều luật liên quan tương ứng cũng được chỉnh sửa theo.

Cụ thể, phương án 1, quy định phân loại dự án đầu tư thành bốn nhóm, gồm: (1) Dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải có giấy phép môi trường (GPMT); (2) Dự án đầu tư chỉ phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT; (3) Dự án đầu tư không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; (4) Dự án không phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT. Từng loại đối tượng này có các tiêu chí cụ thể để xác định.

Theo phân tích của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phương án này có ưu điểm là thuận tiện trong việc tra cứu đối tượng dự án tương ứng với các thủ tục môi trường phải thực hiện. Tuy nhiên, có nhược điểm là không áp dụng được các tiêu chí môi trường xuyên suốt để quản lý môi trường trong các dự án đầu tư; không bảo đảm linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM, GPMT.

Ảnh minh họa

Phương án 2, là phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, theo đó, quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành bốn nhóm gồm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo phương án này, giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể và ban hành danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III. Quy định này có ưu điểm là sử dụng thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 24-10, đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật có liên quan. Theo đại biểu, cần thực hiện phương án hai, là phương án quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí dự án đầu tư được phân thành bốn nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, mức độ cao, có nguy cơ, ít nguy cơ, không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. “Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường, bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường” – đại biểu nói.

Một số ĐBQH đồng tình với phương án 2. ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng việc quy định dự án thuộc nhóm 1 là nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao, là đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ sẽ sát với thực tế, bảo đảm hiệu quả và có tính khả thi hơn. Còn theo ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), dự án không có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì không đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) nêu quan điểm: Tất cả dự án phải xin chủ trương đầu tư đều phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Việc này là cần thiết để có thông tin cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương có chấp nhận cho chủ dự án được đầu tư dự án hay không.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 175 Điều đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6-2020 và tiếp tục gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội cùng một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là một bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có thể nói là tất cả mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội và liên quan đến người dân, nên hết sức phức tạp và khó.

“Kể từ lúc trình dự thảo đầu tiên cho đến nay, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm định, tôi biết rằng sự thống nhất, đồng thuận là cao, những ý kiến khác biệt đã thu hẹp lại”. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết. Ông đồng ý và thống nhất cao với tất cả ý kiến các đại biểu đã phát biểu và sẽ nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hơn.

Trả phí thu gom rác thải

Về vấn đề phân loại rác thải, ông Phan Xuân Dũng nêu rõ dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Về thu phí rác thải, mức phí mà hộ gia đình, cá nhân phải trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sẽ do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp với nguyên tắc định giá của nhà nước theo quy định của pháp luật về giá, dựa trên lượng chất thải đã được phân loại.

Theo ông Phan Xuân Dũng, dự thảo luật cũng quy định đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.

ĐB Phạm Thị Thu Trang tán thành quan điểm đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện phân loại rác thải, rác tại nguồn và tính phí thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở lượng chất thải đã được phân loại. Theo bà Trang, đây là chủ trương được đa số người dân ủng hộ cần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định lộ trình đến ngày 1-1-2025 mới thực hiện thì quá lâu.

“Tôi đề nghị xem xét quy định lộ trình phấn đấu thực hiện sớm hơn. Đồng thời, quy định chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư để bảo đảm khả năng xử lý gồm cơ sở vật chất, xây dựng điểm xử lý chất thải rắn, nhà máy tái chế chất thải rắn sinh hoạt”- ĐB Trang đề xuất.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quản lý chặt đối với những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.