Đại dương là kẻ thù nguy hiểm nhất của con người?

Tú Anh (t/h)|05/09/2019 06:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các chuyên gia cảnh báo đại dương có thể sẽ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại. Nếu con người không hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tình trạng nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến 280 triệu người phải di cư. Đó là lời cảnh báo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) đưa ra trong một báo cáo sẽ công bố ngày 25/9 tới tại Monaco.

Nói cách khác, các đại dương – vốn là nguồn nuôi sống nhân loại – có thể sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta ở cấp độ toàn cầu, nếu con người không làm gì để hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ảnh minh họa

Đây là báo cáo đặc biệt thứ 4 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được công bố chỉ trong vòng chưa tới một năm. Ba báo cáo đầu nói về mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C về sự đa dạng sinh thái và quản lý đất cũng như hệ thống lương thực thế giới.

Kỳ này, các chuyên gia của nhóm GIEC trình bày kết quả nghiên cứu của họ về tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương với kết luận là tình trạng nước biển dâng cao có thể khiến tổng cộng 280 triệu người phải di cư, cho dù trong giả thuyết lạc quan là con người hạn chế được mức tăng nhiệt độ ở 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các chuyên gia cũng dự báo là với tần suất các trận cuồng phong ngày càng cao, nhiều thành phố lớn ven biển, cũng như những đảo quốc nhỏ sẽ phải hứng chịu nhiều đợt ngập lụt.

Báo cáo của GIEC cũng dự báo là permafrost – tức là lớp đất mà theo lý thuyết đóng băng suốt năm – có khả năng sẽ tan chảy từ nay đến năm 2100 nếu lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính cứ tăng với nhịp độ như hiện nay.

Lớp permafrost của Bắc Cực khi bị tan chảy sẽ tung ra một “quả bom carbon”, bao gồm khí CO2 và khí méthane (CH4), đẩy nhanh hơn nữa sự hâm nóng bầu khí quyển Trái Đất.

Hiện tượng này đang diễn ra và có thể dẫn đến sự sụt giảm trữ lượng cá, nguồn thức ăn của nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới. Mặt khác, những thiệt hại do tình trạng lụt lội gây ra có thể sẽ tăng gấp 100, thậm chí gấp 1.000 lần từ nay đến năm 2100.

Ngoài ra, ước tính mỗi năm có khoảng 6 triệu tấn rác được thải trực tiếp xuống các đại dương. Phần lớn trong số đó là plastic (thành phần chính của túi nilon và các sản phẩm nhựa) – kẻ thù số một với sự sống của sinh vật biển.

Các sản phẩm từ plastic thường mất khoảng 500 năm để có thể phân hủy, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tồn tại lâu hơn gấp nhiều lần bất kì sinh vật nào trên Trái đất.

Một sự thật khủng khiếp về sức hủy hoại của con người tới đại dương đã được hé lộ: gần một nửa các loài chim biển, 22% thú biển, tất cả các giống rùa biển và một danh sách dài các loài cá sống chung với rác thải nhựa xung quanh – thậm chí là tồn tại trong cơ thể chúng.Các sinh vật biển đã nuốt các túi nilon do con người thải ra vì nhầm tưởng rằng đó chính là loài sứa. Tốc độ thải rác của con người kinh khủng tới mức ngay chính giữa Thái Bình Dương đã hình thành một “lục địa rác” trôi nổi với diện tích gấp hai lần nước Mỹ.
Ngoài rác thải, dầu cũng là mối nguy hại đáng sợ tới sinh vật biển. Ngoài các tai nạn tràn dầu đáng tiếc, ngay cả khi không xảy ra sự cố nào, việc chuyên chở dầu bằng đường biển cũng trực tiếp gây ô nhiễm đại dương.

Ước tính, cứ một triệu tấn dầu được chở thành công thì có khoảng một tấn dầu bị rò rỉ. Dầu bao phủ quanh cơ thể của các sinh vật biển, khiến chúng không thể thở được. Đối với nhiều loại chim có thói quen rỉa lông, chúng sẽ trực tiếp ăn dầu vào cơ thể gây tử vong.

Băng ở hai Cực tan chảy sẽ khiến Trái Đất có ít nước ngọt hơn. Theo các chuyên gia của GIEC, sang đến thế kỷ 22, mức tăng của mực nước biển có thể sẽ tiếp tục hàng năm, lên mức gấp 100 lần so với hiện nay.

Báo cáo của GIEC sẽ được công bố sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ngày 23/9 tại New York, do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres triệu tập.

Ông Guterres muốn nhân hội nghị này các nước phải có những cam kết mạnh mẽ hơn về lượng khí phát thải CO2. Với nhịp độ tăng như hiện nay, nhiệt độ của hành tinh chúng ta từ đây đến cuối thế kỷ sẽ tăng từ 2 đến 3°C.

Các chuyên gia lo ngại rằng những quốc gia phát ra nhiều khí thải nhất là Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ, chiếm đến 60% tổng lượng khí phát thải trên toàn cầu, sẽ không đưa ra những hứa hẹn tương xứng với mức độ nghiêm trọng hiện nay.

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại dương là kẻ thù nguy hiểm nhất của con người?