Nguyên nhân ngập lụt được Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Nông xác định, do lượng nước lớn từ thượng nguồn Sông Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đổ về từ sáng 2-12, cùng với việc thủy điện Buôn Tua Shar xả lũ khoảng 100m3/s dẫn đến địa bàn các xã Đức Xuyên, Đắk Nang, Nâm N’Đir, Buôn Choah thuộc huyện Krông Nô và thị trấn Ea Tling thuộc huyện Cư Jút bị ảnh hưởng, ngập lụt.
Nhiều trường học ở xã Buôn Choáh bị ngập sâu trong nước lũ
Thống kê cho thấy, tại huyện Krông Nô, có 56 ngôi nhà bị ngập và khoảng 60 hộ dân phải di dời; khoảng 70ha lúa và hoa màu bị ngập úng; trên 120 lồng cá bị thiệt hại; trên 25km đường giao thông bị ngập…
Tại thị trấn Ea T’ling, huyện Chư Jút có 20 lồng cá trên sông Sêrêpốk bị trôi hoàn toàn và khoảng 15ha cây trồng ngắn ngày, 10ha cây công nghiệp ảnh hưởng bởi ngập lụt. Tổng mức thiệt hại trong đợt ngập lụt này ước tính khoảng 30 tỷ đồng.
Nguyên nhân được xác định là do lượng nước mưa lớn kết hợp với việc xả lũ của thủy điện Buôn Tua Shar trên sông Krông Nô từ phía huyện Krông Nô chảy về, hợp lưu với một lượng nước lớn phía hạ du của thủy điện Buôn Kuốp xả lũ khiến mực nước dồn ứ, dâng cao gây ngập lụt.
Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah Nguyễn Văn Thinh cho biết, khi xảy ra ngập lụt, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện phương châm bốn tại chỗ, phối hợp các lực lượng gồm công an, quân đội và lực lượng xung kích tại chỗ khẩn trương hỗ trợ người dân vùng bị ngập sâu di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng chốt chặn ở những điểm giao thông bị ngập hướng dẫn người dân qua lại được an toàn. Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đang được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện khẩn trương, ưu tiên người già, người tàn tật và trả em, với quyết tâm không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cư Jút Hồ Sơn cho biết, ngày 30-11, Công ty thủy điện Buôn Kuốp có văn bản thông báo về mực nước dâng, và trong các ngày sau đó mực nước có dâng nhưng ở mức bình thường, không cao lắm. Tuy nhiên, đến khoảng 6 giờ sáng ngày 3-12, nhận được tin báo về việc mực nước sông dâng cao, chảy xiết làm trôi lồng bè nuôi cá của người dân, ông Sơn xuống đến hiện trường thì nước đã dâng rất cao, cuốn trôi nhiều lồng cá của người dân, gây ngập úng tại nhiều địa điểm.
Trong khi đó, đến 7 giờ 30 phút thì ông Sơn mới nhận được thông tin qua điện thoại từ một nhân viên phía Công ty thủy điện Buôn Kuốp thông báo mức xả lũ là 1.100m3/s. Căn cứ vào thực tế và thời gian thông báo từ phía Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, ông Sơn khẳng định rằng việc xã lũ của thủy điện Buôn Kuốp diễn ra trước đó từ lâu, không có thông báo trước và chưa đúng quy trình theo quy định. Vì vậy, ông Sơn kiến nghị Công ty thủy điện Buôn Kuốp phải có trách nhiệm với thiệt hại của người dân.
Cũng theo ông Sơn, cách đây bốn năm cũng xảy ra sự cố ngập lụt tương tự, cuốn trôi toàn bộ lồng nuôi cá của người dân. Sau đó, huyện Cư Jút cũng đã vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn hơn để nuôi cá, nhưng do vào mùa khô nhiều vị trí mực nước không đủ sâu để nuôi cá nên người dân vẫn tiếp tục nuôi ở khu vực trên. Những năm qua, việc nuôi cá lồng ở đây diễn ra rất bình thường, người dân đã có kinh nghiệm, nhưng lần này do thủy điện xả lũ bất ngờ nên họ trở tay không kịp khiến lồng cá mới bị cuốn trôi.
Có đến 5/6 thôn ở xã Buôn Choáh bị ngập sâu, gây thiệt hại lớn về tài sản
Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông Lê Trung Kiên cho biết, hiện mực nước chưa có dấu hiệu giảm, đơn vị đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương bị ngập lụt để nắm tình hình, phối hợp tổ chức thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn, trước mắt ưu tiên việc di chuyển người dân và tài sản lên khu vực cao, an toàn để tránh thiệt hại.
Về việc xả lũ của các công trình thủy điện, ông Kiên cho biết, đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn đo lưu lượng nước trên hai nhánh sông Krông Ana và sông Krông Nô, khi có kết quả mới đánh giá được. Mặt khác, việc ban hành lệnh xả lũ khẩn cấp trước đây thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhưng từ năm 2018 đến nay thẩm quyền này lại thuộc quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Trong khi Đắk Nông là vùng hạ du, chịu ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại lớn việc xả lũ của các thủy điện thì chỉ là đơn vị phối hợp chứ không có quyền quyết định.
Hoàng Minh