Đảm bảo nguồn nước tưới sản xuất cho vùng nhiễm mặn

Theo TTXVN|14/06/2018 11:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Huyện Tân Phú Đông là khu vực sản xuất khó khăn do nhiễm mặn, nhiễm phèn và chịu đựng ảnh hưởng biến đổi khí hậu điển hình ở vùng ven biển tỉnh Tiền Giang. Do đó, tỉnh đang triển khai kế hoạch vận hành hợp lý hệ thống cống đập trong dự án thủy lợi Phú Thạnh – Phú Đông lấy nước tưới tiêu phục vụ gần 3.000 ha đất canh tác.

Ảnh minh họa 

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang triển khai kế hoạch vận hành hợp lý hệ thống cống đập trong dự án thủy lợi Phú Thạnh – Phú Đông lấy nước tưới tiêu phục vụ gần 3.000ha đất canh tác; trong đó, có 730ha đất trồng lúa 1 vụ, 1.540 ha sả, 679ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản.

Đồng thời, đảm bảo tháo rửa phèn mặn, ô nhiễm môi trường trong nội đồng vào đầu vụ sản xuất; lấy nước tưới tạo nguồn lúc vào vụ sản xuất cao điểm kết hợp thoát nước khi mưa lớn không để ngập úng ảnh hưởng cây trồng và trữ nước ngọt lúc cuối vụ nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh trong các tháng mùa khô năm sau.

Cụ thể, từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7/2018 vận hành tháo rửa chua mặn, cải tạo nguồn nước. Từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 10 vận hành cống đập lấy nước tưới tạo nguồn và giai đoạn từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 11 tập trung tích nước ngọt vào nội đồng trước khi phải đóng ngăn mặn triệt để dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Theo ông Trần Hoàng Bá, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, trong quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Phú Thạnh – Phú Đông, đơn vị thường xuyên kiểm tra mạng lưới cống đập, kênh mương nội đồng để điều chỉnh cụ thể nhằm phát huy tối đa hiệu quả phục vụ sản xuất, khắc phục tồn tại, đặc biệt là tồn đọng phèn mặn cục bộ ảnh hưởng đến cây trồng.

Bên cạnh đó, công ty cũng yêu cầu các địa phương hưởng lợi phối hợp chặt chẽ, khuyến cáo nông dân xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ. Đồng thời, tăng cường ra quân nạo vét kênh mương nội đồng để kịp thời đưa nước tưới tiêu, tạo tiên đề thuận lợi cho những vụ mùa bội thu.

Mặt khác, thông tin kịp thời và rộng rãi tình hình chất lượng nước, kế hoạch vận hành hệ thống cụ thể để nông dân nắm bắt và chủ động triển khai sản xuất hiệu quả.

Dự án thủy lợi Phú Thạnh – Phú Đông (huyện cù lao Tân Phú Đông) gồm hệ thống đê bao kết hợp cống đập Bà Tài, Rạch Gốc, Lý Hoàng, Bà Lắm, Lồ Ô, Bần Ranh, Kênh Ngang… khép kín cùng mạng lưới kênh mương nội đồng chằng chịt có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nguồn nước sản xuất cho toàn vùng dự án.

Đây là khu vực sản xuất khó khăn do nhiễm mặn, nhiễm phèn và chịu đựng ảnh hưởng biến đổi khí hậu điển hình ở vùng ven biển tỉnh Tiền Giang.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, mỗi năm chỉ có thể lấy ngọt trong vòng từ 5 – 6 tháng (khoảng tháng 6 đến tháng 11) nên việc trồng trọt khó khăn, nông dân canh tác 1 vụ lúa/năm, thời gian còn lại trong năm phải bỏ hóa. Cùng với đầu tư xây dựng đê bao, cống đập ngăn mặn khép kín, huyện cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang kết hợp 1 vụ lúa + 1 vụ màu hoặc phát triển các cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đảm bảo nguồn nước tưới sản xuất cho vùng nhiễm mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.