Phú Quốc từ lâu đã không còn là một cái tên quá mới mẻ và xa lạ, đặc biệt là đối với những tâm hồn yêu biển xanh, cát trắng thì nơi đây lại trở nên tuyệt vời hơn, đến nỗi được ví như “thiên đường cho những người yêu biển”.
Thế nhưng, những năm qua cùng với sự phát triển “nóng” và quản lý yếu kém đã khiến môi trường nơi đây phải trả giá đắt vì ô nhiễm cả sông lẫn biển.
Mới đây nhất, du khách Hàn Quốc đã đăng tải đoạn clip quay lại hình ảnh một dòng nước đen từ một cống nước đổ thẳng ra biển Phú Quốc khiến dư luận vô cùng lo lắng cho môi trường tại hòn đảo xinh đẹp này.
Được biết, clip ghi lại dòng nước thải đen ngòm chảy cuồn cuộn ra biển ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông.
Clip dài 13 giây do Yeji Lee đăng vào chiều 4/5 trên mạng xã hội, với dòng trạng thái tạm dịch: “Ngay lúc này tại Bãi Trường. Tôi đến đây vì một bờ biển sạch sẽ nhưng bây giờ đành kết thúc kỳ nghỉ vì dòng nước thải thế này”.
Hình ảnh nữ du khách Hàn Quốc quay được vào chiều 4/5, sau một cơn mưa lớn ở Phú Quốc. Khi đó, nước đen như mực chảy cuồn cuộn ra biển và kéo dài đến khuya cùng ngày.
Đi về phía hạ nguồn, đoạn sông từ cầu Hùng Vương ra tới cửa biển, rác được sóng đẩy về tập kết như một bãi rác nổi. Chiếc ghe cứ chạy được chừng vài chục mét lại chết máy vì rác quấn vào cánh quạt chân vịt. Mỗi lần như vậy lại mất ít nhất 5 phút để gỡ rác.
Về phía thượng nguồn con sông chừng 6 km, ngoài rác thải đủ thứ là những mảng rong rêu cùng bọt bẩn nổi kín mặt sông. Rẽ vào nhánh rạch Suối Đá, mùi hôi thối khủng khiếp khi ghe chạy ngang một nhà thùng nước mắm
Đoạn sông Dương Đông gần cửa biển ngập đầy rác. ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Trước đó, ngày 4/4, nhận được thông tin về việc nước tại một số rạch bị ô nhiễm, Phòng TN&MT đã tiến hành kiểm tra sơ bộ, nhận thấy nước tại rạch Suối Đá, xã Dương Tơ và rạch Cầu Lớn xã Cửa Dương chuyển màu đen, có mùi hôi. Đến ngày 5/4, xảy ra hiện tượng cá chết ở khu vực này. Đặc biệt, tại khu vực ấp Suối Đá có các cơ sở sản xuất nước mắm thải nước thải ra rạch làm bốc mùi hôi.
Vào ngày 6/4, cơ quan chức năng tiến hành lấy 2 mẫu nước rạch và 2 mẫu nước của 2 cơ sở sản xuất nước mắm thải ra rạch Suối Đá để phân tích xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm làm cá chết. Đến ngày 10/4, các đơn vị tiếp tục thu mẫu tại cầu Nguyễn Trung Trực và khu vực tiếp giáp giữa các nhánh và sông Dương Đông.
Nói về dòng nước thải đen ngòm này, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, đã giao Phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp với UBND thị trấn Dương Đông kiểm tra việc xả thải như du khách Hàn Quốc phản ánh nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, ông Hưng nhận định nước đen ngòm thải ra biển là từ một con suối chảy ra ở khu vực Cửa Lấp của xã Dương Tơ.
Vị này cũng thừa nhận: “Huyện chưa có nhà máy xử lý nước thải. Do đó, nước thải bẩn trên đường, của người dân và hộ kinh doanh nhỏ chảy hết ra môi trường bên ngoài”.
Còn theo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Quốc, dọc hai bờ sông Dương Đông và các nhánh phụ hiện có trên 10.000 hộ dân cùng 300 cơ sở sản xuất kinh doanh.
Gần như toàn bộ nước thải sinh hoạt, sản xuất từ đây đều xả trực tiếp ra dòng sông này. Các năm trước, nhờ lượng mưa nhiều nên nước từ núi Đá Bạc và các nhánh suối, rạch hợp lưu tràn xuống đẩy chất thải ra biển, dòng sông Dương Đông tuy ô nhiễm nhưng chưa đến mức chuyển màu đen kịt và bốc mùi thối như năm nay.
Theo cáo cáo mới nhất của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Quốc, tình trạng ô nhiễm tại sông Dương Đông do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc cải tạo tăng dung tích hồ chứa Dương Đông làm giảm lượng nước đổ xuống từ thượng nguồn.
Tiếp theo là tình trạng biến đổi khí hậu khiến mùa nóng trở nên gay gắt, lượng mưa giảm mạnh so với các năm gần đây, nhưng nguyên nhân chính là do lượng bùn tích tụ dưới đáy sông quá nhiều năm. Đây đều là chất thải sinh hoạt, sản xuất của hàng ngàn hộ dân cùng hàng trăm doanh nghiệp dọc hai bờ sông thải ra hàng chục năm nay.
Phòng Tài nguyên và môi trường đưa ra hai nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó giải pháp trước mắt nêu ra cả việc đưa nước biển vào để giảm ô nhiễm cho nước sông, chấp nhận nhiễm mặn và tác động tiêu cực tới một số hệ sinh thái nhất định. Kế đến là nạo vét bùn thải dưới đáy sông.
Ngọc Linh (t/h)