Pulau Semakau là “bãi rác ngoài khơi” đầu tiên trên thế giới và là bãi rác duy nhất ở Singapore.
Nhìn từ bên ngoài, hòn đảo khá giống một khu bảo tồn thiên nhiên trong lành, nhiều cây cối, nhưng ở phía bên dưới mặt đất lại chứa tới 9,8 triệu tấn rác thải.
Đảo Semakau – bãi rác ngoài biển đầu tiên của Singapore.
Do đất đai hạn chế, chính phủ Singapore đã phải tìm giải pháp để xử lý rác thải sao cho tiết kiệm được nhiều diện tích đất nhất có thể. Chính vì vậy, các nhà khoa học Singapore đã phát minh ra nhiều phương pháp tiên tiến, trong đó có việc cải tạo hòn đảo Pulau Semakau thành bãi rác ngoài biển đầu tiên ở Singapore.
Người ta chuyển rác đến Semakau từ tháng 4/1999. Dự kiến đến năm 2045, nơi đây sẽ không thể tiếp nhận thêm rác. Rác thải không hủy hoại hệ sinh thái ở đây nhờ công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại.
Cơ sở hạ tầng để đầu tư cho hòn đảo trị giá 360 triệu USD, với một bức tường bao quanh dài tới 7 km dựng từ cát, đá và đất sét, để tránh rò rỉ chất thải ra ngoài môi trường. Để tạo ra Semakau, năm 1995, đảo quốc Sư tử bắt đầu cho di dân từ 2 hòn đảo nhỏ này (khá ít dân, nước cạn, rất gần bờ) vào bên trong đất liền và cho xây một bờ kè dài 7km bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm và rò rỉ vây quanh khoảng trống của 2 hòn đảo nhằm khóa chặt nước từ rác thải rỉ ra môi trường nước biển xung quanh.
Hệ sinh thái đa dạng.
Phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ. Rác sau khi đốt thành tro được đổ vào các ô này đến khi đầy, hết ô này đến ô khác, hết năm này sang năm khác đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo như một khu bảo tồn thiên nhiên. Với hơn 700 loại động thực vật, trong đó một số loài có nguy cơ tuyệt chủng sinh sống ngay phía trên bãi rác. Nơi này đã thành khu vực bảo tồn cho các loài động vật quý như diệc mỏ dài, choi choi Malaysia, cá heo trắng Trung Quốc quý hiếm…
Nhiều hoạt động tìm hiểu về môi trường thu hút khách du lịch.
Bãi rác Semakau còn mở cửa cho khách tham quan 5 ngày/ tuần. Tham quan đi bộ trên bãi thuỷ triều hấp dẫn đến nỗi gần như được đặt lịch kín quanh năm, có đợt, du khách đã phải đợi gần 4 tháng mới đến lượt.
Không chỉ thu hút khách du lịch, nhiều hoạt động tìm hiểu môi trường bền vững như xem chim, ngắm sao, lội nước trong các khu vực sú, vẹt… tìm hiểu môi trường đa dạng sinh học, hay các tour giáo dục cho giới trẻ quan sát toàn bộ quy trình xử lý rác thải cũng tổ chức ở Semakau để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Hy vọng trong tương lai, hình thức xử lý rác này của Singapore sẽ được nhân rộng ở nhiều quốc gia, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường Trái đất.
Mộc An (t/h)