Đập Trung Quốc giữ lượng nước lớn sông Mekong, các nước hạ nguồn hạn nặng

Mai An (t/h)|16/04/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nghiên cứu của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã giữ lại lượng lớn nước sông Mekong và trực tiếp gây ra hạn hán nặng nề tại các nước hạ nguồn.

Trong đợt hạn hán năm ngoái, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, gây thiệt hại nặng cho nông dân và ngư dân các nước Đông Nam Á vốn sống dựa vào nguồn nước của dòng sông này.

Eyes on Earth Inc., công ty nghiên cứu và tư vấn về nước, vừa công bố nghiên cứu về sông Mê Kông. Nghiên cứu được tiến hành với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông.

Theo nghiên cứu, dữ liệu vệ tinh về độ ẩm bề mặt trên đất liền cho thấy mực nước tại khu vực thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam thực sự trên mức trung bình một chút trong mùa mưa từ tháng 5-10.2019.

Danh sách đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong tính đến tháng 11/2019. Đồ họa: Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ.

Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông được đo đạt vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3 m so với mức cần thiết, nhóm nghiên cứu cho biết. “Điều này cho thấy các đập của Trung Quốc đã giữ nước trong mùa mưa, làm cho tình trạng hạn hán ở hạ lưu nghiêm trọng hơn”, theo ông Basist.

Tác động tiêu cực của 11 đập do Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong đã được tranh luận từ lâu, nhưng dữ liệu vẫn còn khan hiếm, vì Trung Quốc không công bố hồ sơ chi tiết về lượng nước trong mỗi hồ chứa do đập tạo ra.

Eyes on Earth Inc cho biết hệ thống đập đang tích trữ hơn 47 tỷ m3 nước. Trung Quốc không có hiệp ước chính thức với các nước khu vực hạ lưu sông Mekong, nhưng hứa sẽ hợp tác quản lý dòng sông, cũng như điều tra nguyên nhân của đợt hạn hán kỷ lục vào năm ngoái.

Tuy vậy, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc, rằng Bắc Kinh đang kiểm soát dòng sông. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc gây ra hạn hán ở hạ lưu sông Mekong.

nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh được chụp bằng công nghệ cảm biến vi sóng âm đặc biệt để phát hiện nước trên bề mặt từ mưa và tuyết trên lưu vực sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc từ năm 1992-2019.

Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thông Hải

Sau đó họ so sánh với dữ liệu mực nước sông Mekong tại trạm thủy văn Chiang Saen của Thái Lan, trạm gần nhất với Trung Quốc, để tạo ra mô hình dự đoán về mức độ tự nhiên của dòng sông với lượng mưa và tuyết nhất định.

Trong những năm đầu của dữ liệu từ năm 1992, lưu lượng nước hàng năm không có nhiều thay đổi. Nhưng kể từ năm 2012, khi các đập thủy điện lớn được Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong, mô hình và mực nước bắt đầu thay đổi.

Điều này trùng hợp với quá trình tích nước trong mùa mưa và xả nước vào mùa khô của các hồ chứa ở Trung Quốc. “Sự khác biệt rõ rệt diễn ra vào năm 2019”, ông Basist nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ nghiên cứu.

“Việc lý giải rằng việc Trung Quốc xây đập trên sông Lan Thương (tên Trung Quốc gọi sông Mekong) gây hạn hán ở hạ nguồn là vô lý” – Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng tỉnh Vân Nam chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và trữ lượng nước tại các con đập hạ xuống mức thấp nhất lịch sử.

“Hoặc là Trung Quốc nói dối hoặc những người điều hành các đập nước đã nói dối. Ai đó đang nói không đúng sự thật” – ông Brian Eyler, giám đốc Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Stimson, bình luận.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đập Trung Quốc giữ lượng nước lớn sông Mekong, các nước hạ nguồn hạn nặng