Dấu hiệu nhận biết thực phẩm đã bị ‘tẩm độc’, tẩy trắng

Trang Hạ (t/h)|02/08/2019 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thực trạng nhiều loại thực phẩm bị ngâm, tẩm các loại hóa chất như chì, hàn the, asen, lưu huỳnh… đang trở thành mối lo ngại đối với người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Vừa ăn, vừa lo…

Trên thị trường hiện có hai loại bò viên, một loại màu trắng và một loại có màu sậm đen. Một số chủ sạp thịt bò tại chợ Nguyễn Thông (Q.3) cho biết, giá rẻ là do bò viên trắng làm từ thịt bò nạm, còn viên sậm màu làm từ thịt đùi bò, giá cao hơn.

Tuy nhiên, theo anh H.V.Th, một người làm bò viên tại Q.8, thịt bò có màu đỏ tươi nên màu đúng của sản phẩm này là màu sậm, hơi đen. Muốn làm bò viên, cá viên, chả cá… phải chọn thịt bò mới giết thịt hay cá tươi, nhưng với “công nghệ” hiện nay thì ngay cả thịt ế, cá ươn cuối ngày cũng có thể làm ra những viên bò, viên cá đẹp mắt. Thịt được đưa vào máy ly tâm (một loại máy chuyên dụng để sản xuất giò chả, bò viên, cá viên), kèm theo là các loại bột phụ gia chống thối, chống nhớt, tạo độ dẻo, giòn, mịn. Sau đó thì chẳng còn phân biệt đâu là nguyên liệu tươi và cũ. Riêng cách tạo màu trắng cho bò viên, nhiều cơ sở thường dùng một loại hóa chất tẩy trắng để giấu đi màu sắc đã xuống cấp của nguyên liệu, đồng thời có thể pha trộn thêm các loại bột vào để ăn gian chất lượng.

Không chỉ bò viên, ngay cả dồi trường, bao tử heo, lá sách bò, sò huyết… cũng bị nghi ngờ đã qua công đoạn ngâm tẩm, tẩy trắng.

Không chỉ bò viên, ngay cả dồi trường, bao tử heo, lá sách bò, sò huyết… cũng bị nghi ngờ đã qua công đoạn ngâm tẩm, tẩy trắng. Ảnh minh họa: Internet

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Viện Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tình trạng lạm dụng một số hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm để làm cho sản phẩm tươi, ngon, trắng, có màu sắc bắt mắt và hấp dẫn hơn đã gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe người tiêu dùng. Đơn cử như các loại bánh tráng, bánh phở, bún, giò chả…, nếu chỉ làm nguyên chất thì thành phẩm sẽ có màu không đẹp, khi ăn không được giòn và nhanh bị mốc, ôi thiu…

Để khắc phục các nhược điểm này, người sản xuất đã cho thêm một hóa chất mà người dân thường gọi là hàn the. Thực chất đây chính là borax – tên thương mại của hóa chất sodium tetra borate decahydrate. Tùy theo liều lượng của borax xâm nhập vào người, phản ứng cấp tính của cơ thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng: Nhức đầu, cơ thể bải hoải, mạch tim đập nhanh, áp suất máu giảm và có thể bị co giật. Nếu tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị trầm cảm và đối với phụ nữ có thể bị hiếm muộn, vì hóa chất này sẽ làm giảm thiểu kỳ rụng trứng.

Đối với phẩm màu sử dụng trong thực phẩm, theo Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, có hai loại màu là màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên dùng an toàn, nhưng màu không bền và đẹp mắt. Còn màu tổng hợp thường tan trong nước và ổn định, màu rất bền. Các nhà sản xuất thực phẩm rất thích dùng loại màu tổng hợp này, nhưng nếu vượt ngưỡng cho phép lại gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, các màu tổng hợp được dùng để nhuộm đỏ (sudan hay rhodamine) cũng là một trong những hóa chất có nguy cơ gây ung thư…

Nhận diện thực phẩm ‘tẩm” hóa chất

TS Nguyễn Quang Tề – Nguyên Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) cho hay, vì lợi nhuận nhiều tiểu thương vẫn sử dụng các loại hóa chất tẩy trắng để “phù phép” cho các loại hải sản đã hỏng trước khi đem bán. Thậm chí, trong quá trình vận chuyển không ít cơ sở vì lợi ích còn cho urê để bảo quản giữ cho tươi lâu hơn không bị ươn thối.

Thịt lợn tươi ngon, bề ngoài không bị nhớt, thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào thớ thịt thấy mềm tay, thịt lõm xuống sau đó nhanh chóng trở lại bình thường. Ảnh minh họa: Internet

Thịt lợn tươi ngon, bề ngoài không bị nhớt, thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào thớ thịt thấy mềm tay, thịt lõm xuống sau đó nhanh chóng trở lại bình thường. Khi luộc thịt, nước trong, mùi thơm, ăn dai thịt. Còn với giò lụa, khi mua cần để ý màu sắc và mùi vị của giò. Giò ngon khi cắt ra có màu hồng nhạt, bề mặt giò có nhiều lỗ li ti, sờ vào cảm giác mịn và hơi ướt, khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, không quá giòn, không bị bở. Đối với chả đã bị tẩm hàn the ăn sẽ không có vị béo ngậy đặc trưng của thịt mà lại giòn, dai bất thường…

Theo TS Nguyễn Quang Tề, để tránh mua phải hải sản được ngâm hóa chất, có thể dựa vào một số dấu hiệu cảm quan sau:

Đối với bạch tuộc: Chọn bạch tuộc tươi sống còn bơi được là tốt nhất. Bạch tuộc tươi chất lượng phải còn đủ chân, quan sát sẽ có tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn nhưng thân hình không trương phình. Khi chế biến, thịt săn nhưng không teo nhỏ, ra ít nước. Thịt ăn giòn, ngọt và có mùi thơm

Còn bạch tuộc ngâm hóa chất thường có màu trắng bệch, ngửi bạch tuộc thấy mùi lạ không có mùi tanh tự nhiên, thậm chí, không còn mùi gì.

Đối với mực, theo PGS-TS Trần Đáng, khi chọn mực tránh chọn những con có mùi hôi. Mực còn nguyên con, có đầy đủ râu là tốt nhất. Mực tươi sẽ có mùi đặc trưng hơi tanh, trắng trong, màng bên ngoài còn nguyên, đầu và thân mực dính liền với nhau và túi mực nguyên bên trong. Mắt mực tươi sẽ sáng, toàn bộ râu mực thấy tươi sáng, màng không rách nhiều.

Các loại mực được tẩy trắng thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt. Nếu mực thịt nhão, đầu không dính với thân là mực không tươi, không nên mua, khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà mùi hơi, thịt mềm, nhũn…

Trang Hạ (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dấu hiệu nhận biết thực phẩm đã bị ‘tẩm độc’, tẩy trắng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.