Tác động của quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng đến môi trường đô thị thành phố, đặc biệt là không khí. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm SV Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Trần Hữu Anh, Huỳnh Ngọc Thương và Nguyễn Phước Ngưỡng Thiện) dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Vũ Vân Thanh đã sáng tạo thành công hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí thông minh.
>>>Hơn 70% người dân ủng hộ bỏ loa phường tại Hà Nội
Thành viên dự án vận hành hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị.
Được biết, tại Cuộc thi triển lãm công nghệ Bách khoa Đà Nẵng, giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ Khoa học -Công nghệ và Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức mới đây (27-10), sản phẩm hệ thống quan trắc không khí tự động chạy bằng năng lương mặt trời đã đạt giải Nhì ý tưởng. Với sự hỗ trợ của hệ thống này, không chỉ cơ quan chức năng mà người dân có được nhiều thông tin về tình trạng ô nhiễm trên địa bàn TP và nhiều chức năng cảnh báo khác như: ngập lụt, tắc đường…
Nhóm SV ĐH Bách Khoa với sự dẫn dắt, hướng dẫn của thầy Thanh đã tiến hành nghiên cứu hệ thống quan trắc không khí tự động chạy bằng năng lương mặt trời với tính năng nhỏ gọn, di chuyển được nhiều vị trí và người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin. Hệ thống này sẽ đo chất lượng không khí và cảnh báo tại chỗ các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau. Bạn sinh viên Trần Hữu Anh hào hứng chia sẻ: Thông qua hệ thống phần cứng cảm biến các khí CO, CO2, NO, NO2, SO2, bụi PM2.5, bụi PM10 sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để sạc điện cho ắc quy với tấm pin năng lượng mặt trời để sạc. Những dữ liệu đo đạc được sẽ được quy về chuẩn quốc tế và đưa lên trang web của hệ thống thông qua giao thức GPRS. Từ đó, chỉ cần truy cập vào website là có thể biết được thông tin tại toàn bộ vị trí đặt hệ thống. Trần Hữu Anh nói: “Điều mà chúng em tâm đắc nhất là sử dụng hệ thống xe buýt công cộng để đặt hệ thống. Như vậy, có thể đo đạc được mức độ ô nhiễm trên toàn thành phố, lại tiết kiệm chi phí vận hành. Chúng em đã cho chạy hệ thống trên tuyến xe buýt số 6 của TP (Đà Nẵng- Phú Đa) và đã có những thông số về độ ô nhiễm không khí trên đoạn đường, khu vực xe chạy”.
Thiết bị vi điều khiển là con chíp STM sẽ đọc các dữ liệu từ môi trường không khí 1 lần/1 phút và truyền thông tin thông qua GPRS/GSM. Khi không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống sẽ kích hoạt chế độ cảnh báo tới người quản trị thông qua hệ thống tin nhắn bao gồm: Thời gian, vị trí tọa độ điểm đo, giá trị cảm biến đo được. Duy chỉ có một điều khó là việc đặt mua các thiết bị cảm biến ở nước ngoài vừa khó khăn lại về lắp đặt thử nghiệm thì lại không tương thích với các thiết bị còn lại, nhiều khi giá thành khá cao.
Điều đáng khích lệ ở đây là nếu đem ứng dụng vào thực tế thì chi phí sẽ giảm rất nhiều. Một hệ thống như vậy sẽ rơi vào khoảng 9-10 triệu đồng so với một trạm không khí hiện nay có giá gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó là việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Hệ thống được lắp trên xe buýt với 12 tuyến xe buýt sẵn có của Danabus, bao phủ toàn bộ các tuyến đường chính, lại hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời.
Thầy Vũ Vân Thanh rất tự hào, tự tin về sản phẩm này: So với hệ thống sẵn có hiện nay, thì hệ thống này có khả năng đo đạc các thông số về ô nhiễm môi trường ở khu vực rộng lớn như một tuyến đường, đặc biệt là tính thân thiện của nó, người dân bình thường cũng có thể sử dụng được. Ngoài đo giám sát mức độ ô nhiễm không khí, hệ thống còn có một số chức năng khác như cảnh báo kẹt đường, các tuyến đường bị ngập nước, cảnh báo sớm trên các tuyến đường… Điều các em trăn trở nhất hiện nay là mặc dù hệ thống nếu được ứng dụng trong thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp thì cần phải có nhà đầu tư để tiếp tục nâng cấp sản phẩm và ứng dụng đại trà. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng không khí để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Lê Anh Tuấn
Theo thống kê từ WHO, công bố tháng 5-2018, 90% dân số thế giới đang hít phải không khí bị ô nhiễm. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước ô nhiễm nhất thế giới (theo nghiên cứu môi trường của ĐH Yale – Mỹ). Năm 2016, hơn 60.000 người tử vong do tim mạch, ung thư, hô hấp… gây thiệt hại kinh tế khoảng 5-7% GDP cả nước. Được biết, hiện Việt Nam mới có 40-50 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động được lắp đặt cố định có kích thước lớn, phạm vi giám sát nhỏ và người dân không thể tiếp cận với tình trạng không khí tại khu vực. |