Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và các ngành chức năng, tuy nhiên thời gian qua, người tiêu dùng đang phải mua thịt lợn với mức giá cao gần như kỷ lục, mặc dù đây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Nhằm “hạ nhiệt” giá thịt leo thang, hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra như tăng nhập khẩu thịt lợn, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá… nhưng đến thời điểm hiện tại, dường như các giải pháp trên chưa mang lại kết quả như ý, khi người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm giá thịt lợn ở mức rất cao.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung-cầu, giá bán của mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn để xây dựng phương án kiểm tra và đề xuất các giải pháp góp phần nhằm ổn định thị trường.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các Cục Quản lý thị trường địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho lạnh nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, các tuyến đường lên khu vực biên giới, khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, thu mua, buôn bán lợn sống và thịt lợn trái phép qua khu vực.
Lê An (t/h)