Sáng 23/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa ký công văn hỏa tốc gửi các tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Bộ TN-MT, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Bộ GT-VT… đề nghị triển khai phối hợp khắc phục hậu quả lũ và ứng phó với triều cường tại đây.
>>>Thanh Hóa: Phát triển đồng bộ 5 trụ cột kinh tế biển
>>>Đà Nẵng: Mưa lớn làm sạt lở nặng vỉa hè đường du lịch ven biển
Triều cường tại khu vực các tỉnh Đồng bằng SCL
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong thời gian qua, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên cao, kéo dài; đồng thời do ảnh hưởng của triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long tại các trạm Mỹ Tho, Mỹ Thuận trên sông Tiền và Cần Thơ trên sông Hậu đạt mức lịch sử.
Dự báo cuối tháng 10 đến tháng 12-2018, khu vực hạ lưu sông Cửu Long còn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường với mức độ tương đương và cao hơn mực nước triều lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục lên nhanh và ở mức cao trong những ngày tới.
Cụ thể, đỉnh của đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch sẽ xuất hiện trong các ngày 25-27/10 (ngày 17-19/9 âm lịch) với mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng lên 2,00-2,05 m (trên báo động ba 0,10-0,15 m). Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng đạt cấp độ 3.
Để chủ động ứng phó triều cường lịch sử, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố vùng ngập lũ tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em, học sinh; tổ chức giao thông an toàn trên sông nước, duy trì các điểm cứu hộ, cứu nạn; phòng tránh đuối nước, điện giật, hỗ trợ người dân lương thực – thực phẩm…
Hàn Mặc (T/h)