Chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với với Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo về hình phát triển kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2021 của TP Hà Nội. Trong 3 tháng đầu năm 2021, TP Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn một) hoàn thành vào năm 2010, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông đi lại giữa nội đô với các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Thành.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội nêu đề xuất xây 2 cây cầu vượt qua sông Hồng. Cụ thể, dự án cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, cầu Thượng Cát khoảng 9.000 tỷ đồng. Trước đây thành phố đã kêu gọi đầu tư 2 công trình này theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Tuy nhiên, hình thức đầu tư này đã bị hủy bỏ nên thành phố đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.
Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 quốc gia 4 dự án với nhu cầu vốn trên 21.000 tỷ đồng. Đây là các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai; Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; xây dựng tuyến đường cao tốc đại lộ Thăng Long, đoạn nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình; xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ chấp thuận vị trí nhà ga C9 (dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.
Vị trí xây dựng nhà ga C9 được đề xuất xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm, đã gây nhiều ý kiến trái chiều hơn 10 năm qua. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cảnh báo việc xây dựng nhà ga ở vị trí này là vi phạm Luật di sản văn hoá. 10 ngày trước, thành phố đã giao đơn vị chuyên môn nghiên cứu ba phương án khác, trong đó có phương án bỏ ga ngầm C9 tại vị trí đã đề xuất.
Theo Chủ tịch Hà Nội, trong giai đoạn tới, thành phố đầu tư 455 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 207.000 tỷ đồng. Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông thành phố được Thủ tướng phê duyệt, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường liên kết vùng và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì – Ba Vì.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cầu qua sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Đầu tháng 1/2021, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng đã được khởi công.
Dự kiến, tháng 6/2021, Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Trong đó sông Hồng sẽ là trục giữa để phát triển hài hòa hai bên bờ sông.
Nam Anh