Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Đáng chú ý, Bộ Công an dự kiến sẽ hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở từ 6 - 8 triệu đồng xuống còn 800.000 - 1 triệu đồng.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), mức tiền phạt là từ 6 - 8 triệu đồng.
Các vi phạm nặng hơn vẫn giữ nguyên mức phạt tiền như hiện tại, nhưng có thể thay đổi từ hình thức tước giấy phép lái xe sang trừ điểm giấy phép lái xe. Dự thảo đang được lấy ý kiến và sẽ tiếp tục nghiên cứu trước khi trình Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, Đại úy Nguyễn Văn chiến – Đội CSGT số 6, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Theo tôi thì mặt bằng chung về người dân tham gia giao thông thì tình hình chấp hành nhất là về nồng độ cồn thì cải thiện rất là tốt. Xe ô tô thì hầu như không phát hiện vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp tài xế xe máy vẫn sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông. Chúng tôi vẫn sẽ tăng cường tuần tra, khép kín địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.”
Ngay khi được đưa ra lấy ý kiến, đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xung quanh đề xuất này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Nguyễn Văn Linh – Bắc Ninh chia sẻ: “Ý thức của mọi người giờ cũng nâng cao hơn rồi nên mong công an tạo điều kiện giảm xuống còn 8 trăm đến 1 triệu”
Cơ quan chức năng có lý do để đưa ra đề xuất giảm mức tiền phạt, đó là sau thời gian xử lý quyết liệt, thói quen uống rượu, bia khi tham gia giao thông đã giảm, nhận thức của cộng đồng thay đổi theo hướng tích cực. Do vậy, điều chỉnh giảm mức phạt là phù hợp với tính chất, hành vi vi phạm.
Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp với lý do “một chút bia, rượu thì vẫn tỉnh táo để điều khiển phương tiện”; hoặc “nới lỏng quy định phạt để người dân còn làm ăn buôn bán, bia, rượu tiêu thụ được còn tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách”…
Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết: “Tôi cho rằng đây là một bước tiến khá dài trong kỹ thuật lập pháp, bởi vì nó đã phân hóa được người vi phạm. Chúng ta không thể quy đồng tất cả các lỗi như nhau bởi vì cứ có nồng độ cồn trên O là có mức phạt giống nhau rồi, mức phát khá cao. Tôi cho rằng là tiến bộ mang tính phòng ngừa giáo dục pháp luật đang hướng đến thì nó sẽ nhiều hơn và mức phát này để giúp cho một số người có thể cảnh tỉnh để hiểu được cái vi phạm hơn thì mức xử phạt sẽ rất nặng và thậm chí có thể bị giam giữ bằng không cho sử dụng phương tiện lái xe nữa.”
Thực tế cho thấy, mọi chính sách, quy định chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ cuộc sống. Với việc siết chặt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người dân đã dần hình thành thói quen tốt là "đã uống rượu bia thì không lái xe". Do đó, đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp cần được các cơ quan chức năng cân nhắc kỹ trên cơ sở bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ liên quan đến việc sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện.