Mỗi dịp Tết đến, phố cổ Hội An lại trở nên lung linh, rực rỡ hơn bởi được trang trí bằng những chiếc đèn lồng
Nghề làm đèn lồng được xuất hiện ở Hội An từ cuối thế kỷ XVI, khi những người Hoa đến nơi này giao thương, buôn bán và định cư lâu dài, đến nay đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Vào dịp Tết Nguyên đán, việc trang hoàng nhà cửa, phố phường bằng những chiếc đèn lồng đủ sắc trở thành biểu tượng văn hóa – du lịch của người dân Phố cổ.
Đối với người Hội An, việc treo đèn lồng trong nhà dịp “Tết đến – Xuân về” đã trở thành truyền thống của gia đình, của quê hương. Người dân quan niệm những chiếc đèn lồng mang ý nghĩa soi sáng gia đình, đem lại sự may mắn, bình yên và xua đuổi ma quỷ. Đa phần, thời điểm Tết Nguyên đán, đèn lồng sắc đỏ sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng, mua về trang trí trong gia đình, vì màu đỏ rực rỡ là màu tượng trưng cho năm mới nhiều tài lộc.
Để làm nên được chiếc đèn lồng Hội An đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng, đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều kinh nghiệm, tỉ mỉ, chăm chút qua từng công đoạn sản xuất.
Làm đèn lồng Hội An được chia làm 3 công đoạn, công đoạn làm khung sau đó bọc vải và cuối cùng là trang trí cho lồng đèn.
Đầu tiên, người nghệ nhân tiến hành làm khung cho đèn lồng, đa phần đều được làm bằng khung tre vì rẻ, bền và mang hơi hướng truyền thống. Để có được một bộ khung chắc chắn, dẻo dai, người nghệ nhân phải lựa chọn nguyên liệu rất khắt khe. Tre làm đèn lồng được chọn là loại tre già, còn tươi, đảm bảo tránh mối mọt, người thợ tiến hành nấu tre và ngâm trong 10 ngày với nước muối. Tiếp đến, tre được phơi khô và vát mỏng theo từng loại lồng đèn. Sau đó, người nghệ nhân tiến hành bọc vải, vải bọc phía bên ngoài những chiếc lồng đèn Hội An thường là vải lụa tơ tằm hoặc vải xoa, màu sắc của vải sẽ quyết định đến ánh sáng của đèn. Công đoạn cuối cùng là cắt gọn vải, chỉ thừa và tiến hành gắn chuôi trang trí cho lồng đèn. Trải qua nhiều thời gian, công đoạn mới có thể tạo nên những chiếc đèn lồng hoàn hảo, chỉnh chu nhất.
Những ngày cuối năm, làng nghề làm đèn lồng Hội An lại tất bật, rộn rã sản xuất bán ra thị trường. Đối với những nghệ nhân làm đèn lồng, dịp Tết là khoảng thời gian vực dậy kinh tế sau cả năm trời bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thời điểm nhu cầu trang trí nhà cửa của người dân tăng cao, vì thế đèn lồng được tiêu thụ nhiều với giá cả phù hợp. Khác với mọi năm, năm nay nhiều cơ sở sản xuất đèn lồng Hội An mới bắt tay vào sản xuất đèn lồng Tết Nguyên đán từ giữa tháng 10 âm lịch và chỉ nhận sản xuất theo đơn đặt hàng.
Đèn lồng Hội An cải tiến, biến tấu nhiều mẫu mã, màu sắc, trang trí phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng
Ngày nay, việc sản xuất đèn lồng Hội An không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là hình thức phát triển du lịch tại địa phương, đại diện cho thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhiều du khách đến Hội An chỉ để được trải nghiệm tận mắt các nghệ nhân làm đèn lồng và mua về làm món quà kỷ niệm cho gia đình, người thân. Người nghệ nhân làng nghề làm đèn lồng Hội An đã cải tiến, biến tấu nhiều mẫu mã, màu sắc, trang trí phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tại phố cổ Hội An, nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật về đèn lồng cũng thường xuyên được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Mỗi dịp Tết đến, phố cổ Hội An lại trở nên lung linh, rực rỡ hơn bởi được trang trí bằng những chiếc đèn lồng. “Tết cổ truyền” vẫn giữ được màu sắc, văn hóa của người dân phố cổ, biểu tượng riêng không dễ gì thay thế.
Bùi Đức