Đến Thanh Hà xem nghệ nhân nặn linh vật Tết

Tú Loan|06/02/2022 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Làng gốm Thanh Hà, TP. Hội An, Quảng Nam có lịch sử hơn 500 năm tuổi, là điểm du lịch văn hóa cộng đồng nổi tiếng. Mỗi dịp “Tết đến – Xuân về”, nơi đây thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.

Người ta đến Thanh Hà không chỉ để tìm mua những món đồ gốm đẹp mắt mà còn để trải nghiệm cảm giác xem nghệ nhân nhào nặn những hòn đất vô tri thành những món đồ có giá trị. Cuối năm, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà lại tất bật sản xuất để cung ứng ra thị trường.

3 cặp “Hổ đất” giống nhau, như được tạo hình bằng khuôn mẫu

Làng nghề truyền thống hơn 500 năm

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Hội An chắc hẳn đều muốn ghé thăm những làng nghề truyền thống nổi tiếng nơi này, bởi nhiều làng nghề đã tồn tại qua hàng trăm năm vẫn lưu giữ được nét đặc trưng vốn có. Làng gốm Thanh Hà cũng là một phần của Hội An xưa.

Làng gốm Thanh Hà tọa lạc ngay bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, cách phố cổ Hội An chừng 30km về phía Tây. Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, đi qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, gốm Thanh Hà đã trở thành thương hiệu của người Hội An.

Theo như lời của các bậc cao niên, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ cuối thế kỷ XVI khi mà các đồ dùng bằng gốm sứ là vật dụng phổ biến trong mọi gia đình người Việt, cùng với sự sầm uất của thương cảng Hội An, gốm Thanh Hà được giao thương, buôn bán khắp trong nước và quốc tế. Sản phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét được lấy từ chính phù sa bồi đắp nên sông Thu Bồn, qua bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề đã tạo nên những sản phẩm gốm sứ đẹp mắt, vừa mang giá trị sử dụng, vừa là đồ vật trang trí trong gia đình.

Sản phẩm chủ yếu ở làng gốm Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày được làm bằng đất nung như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật … mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và nét đặc trưng mà không nơi nào có được.

Mỗi dịp Tết đến, người nghệ nhân làng gốm Thanh Hà lại tất bật sản xuất, cho ra là những sản phẩm mang màu sắc, hương vị Tết cổ truyền của người Việt. Là những con tò he, bình gốm sứ được trang trí vẽ họa tiết mùa Xuân, linh vật theo từng năm… Năm nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid–19, nhiều cơ sở sản xuất gốm Thanh Hà phải liên tục thay đổi mẫu mã, hình thức kinh doanh để phù hợp với thị trường.

Những sản phẩm tại làng gốm Thanh Hà mang hương vị, màu sắc của Tết cổ truyền

Năm Nhâm Dần nghệ nhân nặn “Hổ đất”

Nghề làm gốm sứ tại Thanh Hà đã có từ lâu đời, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, khi du lịch văn hóa tại phố cổ Hội An ngày càng phát triển, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đã biến tấu, cải tiến mẫu mã cho ra lò những sản phẩm mang hơi hướng Tết truyền thống để phục vụ khách du lịch. Chính vì thế, những sản phẩm linh vật Tết, tượng ông Công – ông Táo ra đời.

Theo như lời nghệ nhân Nguyễn Văn Xê, người có thâm niên gần 50 năm trong nghề làm gốm tại Thanh Hà, từ thời xa xưa, vào dịp Tết Nguyên đán, các thế hệ đi trước tại làng gốm đã thường xuyên nhào nặn ra những sản phẩm là hình thù của những con vật theo từng năm, không cầu kỳ đòi hỏi kỹ thuật cao, mục đích chỉ để vui chơi và là món quà cho con nhỏ dịp đầu năm mới. Ngày nay, nghề nặn “Linh vật Tết” đã trở thành một nghề “đặc biệt”, đòi hỏi người nghệ nhân phải có bàn tay tài hoa, trí tưởng tượng đặc sắc mới có thể làm ra những sản phẩm hoàn hảo.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Xê, người có thâm niên gần 50 năm trong nghề làm gốm tại Thanh Hà

Những ngày này, tại cơ sở sản xuất gốm của anh Nguyễn Văn Hoàng, con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Xê đang sắp sửa cho ra lò 6 chú “Hổ đất” để trưng bày cho dịp Tết Nguyên đán. Những chú hổ có kích thước dài 60cm, ngang 30cm được định hình và làm thủ công hoàn toàn bằng đất sét. Từ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, cùng trí tưởng tượng phong phú, bên cạnh việc tham khảo hình ảnh qua tranh, ảnh trên mạng, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đã dần hoàn thiện 3 cặp Hổ đất giống như thật. Mỗi cặp có hình thù, vóc dáng, biểu cảm khác nhau.

Để hoàn thành những chú “Hổ đất” này, từ đầu tháng 9 âm lịch, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đã bắt tay vào việc làm nguyên liệu để sản xuất. Đất sét được nghệ nhân chọn lựa kỹ lưỡng đem về ủ sau đó băm nhỏ, nhào nặn để đất “chín” tạo thành hỗn hợp nhuyễn, mịn nhất mới bắt tay vào tiến hành tạo hình cho sản phẩm. Cả quá trình chế tác, nghệ nhân đều dùng tay không và trí tưởng tượng của mình chứ không theo một khuôn mẫu nhất định. Quy trình làm, phải làm theo từng công đoạn đòi hỏi sự nhẫn nại và tỉ mỉ chứ không thể làm luôn một lần, vì nguyên liệu là đất sét dễ hư hỏng, nứt gãy, làm đến đâu, định hình đến đó. Sau khi định hình xong, nghệ nhân mang đi phơi nắng từ 5 đến 7 ngày sau đó mới mang đi nung và đánh bóng để hoàn thiện.

“Thường thì mình sẽ làm theo từng bộ phận, vì đất sét thường sẽ giữ độ ẩm, nên xong bộ phận nào, mình sẽ đợi vài ngày cho khô để tạo độ cứng rồi mới tiếp tục làm công đoạn tiếp theo. Nếu nóng vội sẽ dẫn đến hư hỏng, nứt vỡ ngay. Năm nay, cơ sở mình làm ra 3 cặp Hổ theo đơn đặt hàng của phường phục vụ cho việc trang trí làng nghề. Mỗi con hổ có trị giá khoảng 2 triệu đồng”, nghệ nhân Hoàng chia sẻ.

Dịp Tết năm nay, trước những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid–19, người nghệ nhân làng gốm Thanh Hà vẫn nhào nặn say mê, tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, mang sắc màu Tết cổ truyền của dân tộc đến với mọi người. Linh vật chúa sơn lâm tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực báo hiệu cho một năm mới khởi sắc và trỗi dậy phát triển mạnh mẽ.

Tú Loan

Bài liên quan
  • Du xuân về xứ Đào Thục: Thưởng thức nghệ thuật múa rối nước truyền thống
    Moitruong.net.vn – Ông cha ta thường có câu, tháng Giêng là tháng ăn chơi, khi Tết đến Xuân về, cỏ hoa khoe sắc, chồi non, lộc biếc bung nở cũng là mùa của những lễ hội, trò chơi dân gian mở ra. Với những ai yêu thích môn nghệ thuật mang đậm nét văn hóa sinh hoạt của làng quê Việt Nam xưa sẽ không thể bỏ qua môn múa rối nước. Nếu có dịp, bạn hãy một lần ghé qua phường múa rối nước dân gian Đào Thục, nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước đất Hà thành mà người dân nơi đây đã rất tự hào, giữ gìn văn hóa truyền thống có từ cách đây 300 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đến Thanh Hà xem nghệ nhân nặn linh vật Tết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.