Theo ông Nguyễn Minh Trí – Giám đốc Sở VH – TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành 11 đợt khảo sát địa chất khoáng sản, địa mạo cảnh quan, địa văn hóa tại 9 huyện, thành phố nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
PGS -TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản, nhìn nhận đảo Lý Sơn, ven biển Bình Châu và vùng phụ cận có những tầng lớp địa chất độc đáo, phong phú. Đây là dấu tích nhiều đợt kiến tạo của vỏ trái đất cách đây hàng triệu năm.
Dấu tích miệng núi lửa còn nguyên vẹn nằm ở vùng biển gần bờ Ba Làng An, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). Ảnh: internet
“Các thời kỳ phun trào núi lửa khác nhau đã tạo nên những tuyệt phẩm tự nhiên từ sự tương tác giữa biển và núi lửa. Di sản địa chất ở Quảng Ngãi ví như bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm có trên thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu”, ông Văn nhìn nhận.
Những đợt khảo sát này còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều nước như Pháp, Nhật, Hàn Quốc và các chuyên gia đầu ngành trong nước. Qua đó, các chuyên gia nhận định nhiều điểm nằm trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có những tầng lớp địa chất độc đáo, phong phú. Các lớp này được tạo nên từ nhiều thời kỳ phun trào khác nhau của núi lửa và sự tương tác của nham thạch với và nước biển.
“Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khảo sát 1.130 điểm và lấy hàng trăm mẫu vật gửi ra nước ngoài phân tích. Kết quả khảo sát, nghiên cứu ban đầu cho thấy các thành tạo đá núi lửa basalt khu vực Lý Sơn, TP. Quảng Ngãi và Bình Sơn chủ yếu thuộc hệ tầng Đại Nga và hệ tầng Túc Trưng”, ông Nguyễn Minh Trí cho biết.
Tham dự nhiều cuộc khảo sát, ông Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất UNESCO kiêm Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, cho biết, qua khảo sát 110 vị trí di sản nhằm định tuyến du lịch cho khu vực công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xác định 81 vị trí di sản có nhiều giá trị địa mạo độc đáo.
Nhiều vị trí của Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có những tầng lớp địa chất độc đáo, phong phú, Ảnh: internet
Những vị trí này được chia thành 4 cụm, gồm cụm di sản đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp, là bảo tàng tự nhiên về núi lửa, về san hô; cụm di sản ven biển phía bắc Quảng Ngãi gồm bãi biển đẹp, các vách bazan dạng cột, các bậc thềm mài mòn và ngấn nước biển; cụm di sản phía nam Quảng Ngãi có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, đầm nước ngọt, nước mặn; cụm di sản khu vực Trà Bồng với thác nước, núi, đèo hùng vĩ.
Với những thế mạnh đó, ông Guy Martini nhận định Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh hội đủ giá trị di sản địa chất, văn hóa, khảo cổ, giàu tiềm năng, đa dạng sinh học… để được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
An Nhiên (T/h)