Moitruong.net.vn – Thiệt hại về kinh tế từ dịch bệnh do virus corona gây ra là không thể tránh khỏi, không những với Trung Quốc mà thậm chí còn lan toả ra phạm vi toàn cầu.
Theo tờ Wall Street Jounal, hiện khó có thể đưa ra một con số thiệt hại cụ thể nào. Tuy nhiên theo một số tờ báo quốc tế uy tín, có thể tạm dựa vào tầm ảnh hưởng của những dịch bệnh tương tự trước đây để ước lượng sơ bộ vấn đề này.
Đường phố tại thành phố Vũ Hán nhìn từ trên cao hầu như không một bóng người (Ảnh: Chinadaily)
4 hệ luỵ đối với kinh tế – thương mại
Kinh tế và thương mại thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp trên bốn phương diện sau.
Thứ nhất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn được như bình thường khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả. Trong bối cảnh tình hình như thế, kinh tế và thương mại thế giới không thể hoạt động bình thường được chứ chưa nói đến có thể tăng trưởng, đồng thời nguy cơ sa vào trì trệ tăng trưởng hoặc thậm chí cả suy thoái không chỉ tiềm tàng mà còn tăng.
Thứ hai, đại dịch mới hiện đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội. Hai lĩnh vực bịảnh hưởng nhiều nhất là du lịch và dịch vụ. Vì thế, những quốc gia hay nền kinh tế trên thế giới mà du lịch và dịch vụ vốn là trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng và quyết định nhất hiện cũng đang bịảnh hưởng nặng nề nhất và tiêu cực nhất bởi đại dịch mới.
Thứ ba, một khi dịch bệnh hoành hành như hiện tại, không chỉ tiêu dùng của người dân suy giảm mà các nhà đầu tư cũng bớt sẵn sàng đầu tư và các doanh nghiệp cũng ngần ngại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cho không thể có được tăng trưởng mới của kinh tế, thương mại và đầu tư trên thế giới.
Thứ tư, mối quan hệ và mức độ hợp tác giữa các đối tác trên thế giới trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư bị ngưng trệ bất ngờ khi các doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động kinh tế ở những nơi bị dịch bệnh và chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nơi khác cũng như khi chính phủ các quốc gia áp dụng những biện pháp quyết liệt như sơ tán công dân, đóng cửa biên giới quốc gia hay cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ những vùng có dịch bệnh.
Chẳng hạn như ở Mỹ đã có ý kiến cho rằng đại dịch hiện tại sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc trở về Mỹ, tạo thêm làm việc ở Mỹ. Trong thời gian tới sẽ có sự hỗn loạn nhất định trong các mối quan hệ này với ảnh hưởng rất tiêu cực tới tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới nói chung.
Nền kinh tế thế giới cũng chịu tác động không nhỏ từ việc hạn chế di chuyển nội bộ tại Trung Quốc và tình trạng nhiều quốc gia đóng cửa biên giới với nước này. Các lệnh phong toả giao thông tại nhiều địa phương đã làm trì hoãn hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời gián đoạn sản xuất của nhiều doanh nghiệp quốc tế đặt nhà máy tại đây.
Ngành du lịch cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan và Úc chiếm lần lượt 30 và 15%. Con số này tại Mỹ là 7%, với mức chi tiêu của du khách Trung Quốc trung bình tới 6000 USD (140 triệu đồng), cao nhất trong số tất cả các nhóm khách ngoại quốc. Dịch bệnh từ virus corona ước tính có thể làm giảm tới 28% lượng khách du lịch từ Trung Quốc, gây thiệt hại 5,8 tỷ USD (134.000 tỷ đồng) cho kinh tế Mỹ.
Sau khi ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ tăng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ từ Mỹ lên thêm 200 tỷ USD (4,6 triệu tỷ đồng) trong hai năm. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ khó mà đáp ứng được cam kết này.
Tuy nhiên, hiện tại đã có những dấu hiệu tích cực, khi Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát tình hình phát tán dịch và xây dựng gấp rút các bệnh viện dã chiến nhằm phục vụ điều trị người bệnh. Ngân hàng Trung ương nước này mới đây đã công bố sẽ bơm tới 1.200 tỷ nhân dân tệ (4 triệu tỷ đồng Việt Nam) để đảm bảo ổn định tiền tệ, thanh khoản hợp lý và tránh các chấn động lớn trên thị trường chứng khoán, sau kỳ nghỉ dài dịp Tết Nguyên đán.
Ngân hàng này cũng sẽ tăng thêm những gói ngân sách khẩn cấp hỗ trợ ngành y tế, đồng thời kêu gọi các tổ chức tài chính tập trung nguồn lực để bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác động xấu từ dịch bệnh virus corona.
Khách hàng tại một cửa hàng của Apple tại Trung Quốc. Hiện những thương hiệu như Apple, McDonald’s, Starbucks đã thông báo đóng cửa các cửa hàng tại Trung Quốc vì dịch corona. (Ảnh: Reuters)
Những thiệt hại kinh tế từ dịch Corona nghiêm trọng hơn dịch SARS
Điểm lại những dịch bệnh “đắt đỏ” nhất với kinh tế thế giới liên quan đến Trung Quốc thời gian gần đây, có thể kể đến dịch SARS năm 2003 với thiệt hại 40 tỷ USD (930.000 tỷ đồng), hay dịch cúm H1N1 năm 2009 với thiệt hại 55 tỷ USD (1,3 triệu tỷ đồng). Dịch SARS cũng đã từng kéo tụt mức tăng trưởng của Trung Quốc tới 2 điểm phần trăm chỉ sau 3 tháng.
Nếu so sánh hiện tại với thời điểm dịch SARS diễn ra khoảng 17 năm trước, kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi. Khi dịch SARS bùng phát, Trung Quốc chỉ đóng góp 6% cho GDP toàn cầu, đứng thứ 6 thế giới. Hiện nay, con số này đã là gần 20%, vị trí thứ 2 toàn cầu. Điều này có nghĩa rằng, nếu nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh, tác động tới tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây.
So với năm 2003, mạng xã hội cũng đã bùng nổ và hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Những mối hiểm hoạ về phát tán thông tin giả, sai sự thật cũng theo đó nảy nở, gây hoang mang dư luận dẫn tới gián tiếp tác động xấu đến mức chi tiêu và đi lại của người dân.
An Nhiên (T/h)