Dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa: Không chủ quan, lơ là

Hà Anh (T/h)|25/07/2019 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện đang là mùa mưa, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH bùng phát. Trên cả nước tính đến giữa tháng 7 ghi nhận hơn 96.000 trường hợp mắc SXH.

Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại Hà Nội. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 1372 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, không có trường hợp tử vong.

Bệnh nhân phân bố ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện có số mắc cộng dồn cao như: Hà Đông (265); Nam Từ Liêm (111); Cầu Giấy (110); Bắc Từ Liêm (107); Đống Đa (106); Thường Tín (102); Hoàng Mai (100).

Hiện tại còn 10% tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện, 90% đã khỏi.

Để phòng dịch SXH, thời gian qua ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Đồng thời, đã tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động tại xã, phường, khu vực có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị các loại dịch bệnh-đặc biệt là bệnh sởi và SXH; rà soát, tập huấn kiến thức cho 65 đội phòng chống dịch cơ động, có kế hoạch bổ sung đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, trang thiết bị y tế, hóa chất… sẵn sàng triển khai bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đặc biệt, nhằm đánh giá chất lượng hoạt động và nâng cao năng lực cho các thành viên trong đội cơ động tuyến quận, huyện, Sở Y tế đã tổ chức hội thi cơ động giỏi TP Hà Nội năm 2019.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế Hà Nội, mặc dù SXH là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp mắc. Tuy nhiên qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại.

Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ… Đồng thời, thời tiết mùa hè nắng nóng mưa nhiều như hiện nay đang là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển; bệnh chưa có vắc-xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2019.

Thời gian tới, ngành y tế đề nghị các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh; khẩn trương hoàn thiện Đề án phòng chống SXH trên địa bàn và sớm triển khai thực hiện theo nhiệm vụ cụ thể của từng năm.

Trước mắt, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương để có phương án phòng chống dịch theo từng tình huống dịch cụ thể, chủ động vệ sinh môi trường và phun hóa chất diện rộng tại các xã phường có nguy cơ…

Thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên; quyết liệt triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch bệnh SXH với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên.

Đặc biệt, tại khu vực có có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát các hoạt động diệt bọ gậy.

Tổ chức vệ sinh môi trường và phun hóa chất 100% các trường học trước khi vào năm học mới, tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai công tác phòng chống dịch đối với cả các trường CĐ, ĐH… trên địa bàn đặc biệt khi sinh viên các trường nhập học…

Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết về bệnh SXH và các biện pháp phòng chống, qua đó mỗi người dân tự tìm diệt bọ gậy tại gia đình và áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Ngày 24/7, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố cung ứng đủ thuốc cho việc phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch.

Đặc biệt, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại cơ sở khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Sở Y tế Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến việc các cơ sở khám chữa bệnh không để thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, điều trị sốt xuất huyết và các bệnh có thể phát sinh sau mùa mưa bão, lũ lụt trên địa bàn thành phố.

Với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị nguồn thuốc có chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh và điều trị cho người dân mắc bệnh dịch.

Hà Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa: Không chủ quan, lơ là
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.