Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) thông tin, dịch châu chấu sa mạc Schitocera gregaria bắt nguồn từ tháng 5 – 6/2019 tại Yemen, Ả Rập Xê Út và phía Tây Nam Iran, sau đó di cư đến phía Bắc Somalia, Ethiopia, Kenya và khu vực biên giới Ấn Độ – Pakistan. Dịch nhanh chóng bùng phát, lan rộng sang hầu hết các quốc gia châu Phi gồm Somalia, Ethiopia, Kenya, Djibout, Eritrea, Uganda và Tanzania.
Châu chấu sa mạc phát triển nhanh bất thường tại một số quốc gia Trung Đông như Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Yemen, Oman, Qatar, Iran… và các nước Nam Á như Pakistan, Ấn Độ từ tháng 1 đến giữa tháng 2/2020, đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trực thuộc khu vực này, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Kenya, Ethiopia, Somalia.
Theo nhận định của FAO và các chuyên gia Trung Quốc, nguy cơ đàn châu chấu xâm nhập và gây hại từ khu vực biên giới Pakistan – Ấn Độ tới Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận rất thấp. Nguyên do là dịch tại Ấn Độ đã được dập, dãy núi Himalaya với độ cao và nhiệt độ không khí lạnh cũng không thuận lợi để di cư vì chúng thích hợp với nơi có nhiệt độ cao và độ ẩm không khí thấp.
Châu chấu đã tàn phá mùa màng ở Pakistan, Ấn Độ và châu Phi. Ảnh: Reuters.
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất theo nhận định của FAO, thì chúng có thể di cư vào Việt Nam vào khoảng tháng 6/2020, do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp để di cư.
Để chủ động có phương án phòng chống không để bất ngờ trước tình hình dịch bệnh xảy ra, Bộ NN&PTNT đề xuất kế hoạch tổng thể ứng phó.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Bắc theo dõi sát về tình hình phát sinh gây hại, phát hành tài liệu hướng dẫn các Chi cục nhận diện đối với châu chấu sa mạc và biện pháp phòng chống.
Về kỹ thuật và nguyên tắc phòng chống, đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay. Những diện tích trong hoặc gần khu dân cư thì huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Trường hợp châu chấu xâm nhập đẻ trứng, cần xử lý thuốc sinh học hoặc hóa học đối với châu chấu non mới nở (tuổi 1-2), còn co cụm và chưa bay nhảy mạnh.
Hiện nay, tại Trung Đông, châu Phi và Tây Á, châu chấu sa mạc phát triển nhanh bất thường, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh hàng không của nhiều quốc gia thuộc khu vực này.
Được biết, mỗi con châu chấu sa mạc trưởng thành tiêu thụ bình quân 200mg chất xanh/ngày. Trong khi đó, mật độ phân bố một đàn có thể lên tới 150 triệu con/km2, ước tính một đàn 1km2 có thể tiêu thụ lượng thức ăn 1 ngày tương đương lượng thức ăn của 35.000 người.
Một trong những đặc điểm đáng sợ của châu chấu sa mạc là khả năng tạo đàn cực lớn, diện tích đàn tính theo kilômet vuông, tổng đàn lên tới cả trăm tỉ con và di cư rất xa.
Mai An (t/h)