Diễn biến mùa bão 2019 tới đây có gì bất thường?

Minh Anh (T/h)|12/08/2019 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 3 cơn bão đầu mùa có quỹ đạo và cường độ phức tạp, kịch bản bão biến động liên tục. Vậy, diễn biến mùa mưa bão năm 2019 có điều gì bất thường?

Ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có những phân tích, nhận định: Từ đầu năm 2019 tới giờ đã có 3 cơn bão xuất hiện trên biển Đông là bão số 1 Pabuk, bão số 2 Mun và bão số 3 Wipha có đặc điểm chung là đều hình thành ngay trên Biển Đông.

Trong khi cơn bão số 1 hình thành ở vĩ độ rất thấp và đổ bộ vào Thái Lan thì bão số 2 và bão số 3 lại hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, vị trí hình thành đều trên khu vực Bắc Biển Đông sau đó đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ.

Về cường độ của các cơn bão trên đều không quá mạnh. Quỹ đạo di chuyển của bão số 1 không đặc biệt nhưng bão số 2 và bão số 3 lại khá phức tạp. Nguyên nhân là do có sự chi phối của các hệ thống khí quyển quy mô lớn như gió mùa tây nam và áp cao cận nhiệt đới.

Thêm nữa, bão số 2 và 3 trước khi đổ bộ còn đi qua khu vực Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào Vịnh Bắc Bộ vì vậy có sự thay đổi về cấu trúc, cường độ và quỹ đạo của bão do sự tương tác với địa hình.

Tóm lại, có thể thấy rằng đặc điểm chính của những cơn bão hình thành trên Biển Đông đó là có quỹ đạo di chuyển rất phức tạp, cường độ và quỹ đạo thường có sự thay đổi lớn do bị chi phối bởi các yếu tố hoàn lưu quy mô lớn, nhiệt độ bề mặt nước biển cũng như sự tương tác với đất liền.

Ảnh minh hoạ: Sơn Tùng

Theo các kết quả dự báo mới nhất hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái ElNino yếu từ nay đến khoảng tháng 11 năm 2019 với xác suất khoảng 50-55%. Sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng vào tháng 12.2019 và những tháng đầu năm 2020.

Theo đó, nhận định vào những năm ElNino (chuyển pha) sẽ có những hiện tượng thời tiết khá phức tạp, không ngoại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh, hoặc siêu bão hoạt động trên biển Đông (với cường độ gió mạnh từ cấp 15 trở lên).

Tuy nhiên những cơn siêu bão thưởng chỉ hoạt động mạnh ở trên biển, nếu ảnh hưởng đến Việt Nam thì cường độ cũng đã suy giảm ít có khả năng đạt mức siêu bão.

Thiên tai đi kèm với bão (trước, trong hoặc sau bão) là gió mạnh kèm gió giật mạnh, mưa lớn và nước dâng. Trong bão chúng ta đã tổ chức phòng, tránh tương đối tốt.

Tuy nhiên, mưa lớn sau bão lại là một hiện tượng rất phức tạp đi kèm với nó thường là lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chính vì vậy, việc cập nhật thông tin thường xuyên là khuyến cáo đầu tiên đến các cấp chính quyền và đến chính người dân nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Hơn nữa, không chủ quan trước các hiện tượng thiên tai xảy ra, không nên so sánh thiên tai nào là cần quan tâm và thiên tai nào là không cần quan tâm.

Đồng thời, cần tự trạng bị cho mình những kiến thức cơ bản về thiên tai và ảnh hưởng của nó để có sự chủ động trong phòng tránh.

Đặc biệt, người dân phải nắm vững địa hình nơi cư trú, kết hợp với thông tin thiên tai nhận được từ các cơ quan khí tượng thuỷ văn để có biện pháp đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Diễn biến mùa bão 2019 tới đây có gì bất thường?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.