Theo một báo cáo, từ nay đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ gây suy giảm 48% diện tích đất trồng cà phê tại Việt Nam, ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng vượt quá ngưỡng 2ºC so với thời tiền công nghiệp.
Hơn một nửa lượng cà phê được dùng làm đồ uống ở Anh có nguồn gốc từ Brazil và Việt Nam, hai quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Riêng ở Việt Nam, vài năm gần đây, mùa khô tại Tây Nguyên kéo dài khiến nguồn nước tưới cho cây cà phê ở ngày càng khan hiếm. Hạn hán xảy ra trong năm năm qua đã làm Tây Nguyên thiệt hại hàng trăm ngàn hecta cà phê và hoa màu.
Theo báo cáo, nhìn chung ngành cà phê của Việt Nam - nơi 95% sản lượng cà phê là Robusta - có thể ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hơn so với Brazil - thủ phủ của Arabica. Điều này một phần bởi Robusta có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với Arabica. Nếu nhiệt độ tăng 1,5-2ºC vào năm 2100, thì đến năm 2050, Việt Nam có thể mất 48% diện tích đất phù hợp để trồng cà phê. Nếu các chính sách cắt giảm khí thải toàn cầu không cải thiện đáng kể và nhiệt độ có thể tăng lên 2,5-3ºC, con số này là 71%.
Việc chuyển đổi sang robusta phần lớn là bắt buộc. Brazil đã trải qua một đợt sương giá nghiêm trọng vào năm 2021 khiến 200.000 ha diện tích trồng chủ yếu là cà phê arabica bị tàn phá và phải mất nhiều thời gian để khôi phục. Tại Honduras, các đồn điền cà phê arabica đã bị tàn phá bởi các cơn bão liên tiếp và những người trồng cà phê ở Colombia đã bị thiệt hại nặng nề bởi lượng mưa thay đổi khó lường.
Năm ngoái, sản lượng thấp từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới - Brazil, đã giúp xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức kỷ lục 4 tỷ USD, cao hơn 30% so với năm trước. Trong đó hơn 93% cà phê Việt Nam sản xuất là cà phê robusta.