Diễn văn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại buổi gặp mặt chào mừng 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ban Biên Tập|05/08/2017 07:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đến dự buổi lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Mai Ái Trực, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Phạm Khôi Nguyên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Bùi Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính; các đồng chí Thứ trưởng và nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo các đơn vị qua các thời kỳ. Tham dự lễ kỷ niệm còn có đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại buổi lễ đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ...

(Moitruong.net.vn) – Sáng nay, ngày 5/8/2017, trong không khí phấn khởi, tự hào, Bộ Tài nguyên và Môi trường long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ (5/8/2002 – 5/8/2017). Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có bài diễn văn quan trọng ôn lại truyền thống tự hào của ngành trong 15 năm qua và định hướng phát triển ngành trong những năm tới.

Đến dự buổi lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Mai Ái Trực, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Phạm Khôi Nguyên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Bùi Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính; các đồng chí Thứ trưởng và nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo các đơn vị qua các thời kỳ. Tham dự lễ kỷ niệm còn có đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại buổi lễ đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài diễn văn quan trọng ôn lại truyền thống tự hào của ngành trong 15 năm qua và định hướng phát triển ngành trong những năm tới. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn này.

bai dien van cua bo truong

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đọc diễn văn khai mạc buổi lễ

– Kính thưa đồng chí Mai Ái Trực, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2002 – 2007;

– Kính thưa đồng chí Phạm Khôi Nguyên, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2007 – 2011;

– Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy  viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011 – 2016;

– Kính thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường qua các thời kỳ; lãnh đạo các Tổng cục: Địa chính, Khí tượng Thủy văn trước đây;

– Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí, đồng nghiệp,

Hòa với niềm vui chung của cả nước trong những ngày tháng 8 lịch sử, chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, bên cạnh rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể thao đầy ý nghĩa của các tập thể, đơn vị trực thuộc Bộ trong những ngày qua, hôm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường long trọng tổ chức buổi gặp mặt chào mừng 15 năm thành lập Bộ (05/8/2002 – 05/8/2017).

Thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí Mai Ái Trực, Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Minh Quang, các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường qua các thời kỳ, các đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã về dự buổi gặp mặt ngày hôm nay.

Thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu,

Chúng ta vừa có những phút vô cùng xúc động, tự hào khi nhìn lại những hình ảnh đầy ý nghĩa của cả chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển với không ít khó khăn nhưng đầy vẻ vang của Bộ Tài nguyên và Môi trường kể từ khi được thành lập vào ngày này cách đây 15 năm trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công nghiệp; Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn đầu được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.

Qua 3 lần kiện toàn tổ chức bộ máy, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý trên 9 lĩnh vực, được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về địa chất, biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, viễn thám, trong đó nhiều lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển bền vững của đất nước.

Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí, đồng nghiệp,

Ôn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển vừa qua, chúng ta vui mừng nhận thấy trong từng giai đoạn, dù khó khăn, thách thức đến đâu, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, tạo những dấu ấn lớn trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được thể hiện ở các mốc son quan trọng sau đây:

Trong giai đoạn định hình 2002 – 2007: Mặc dù mới thành lập, nhưng được kế thừa truyền thống lâu đời và thành tựu to lớn của các cơ quan tiền thân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhanh chóng ổn định hệ thống tổ chức, từng bước xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp tiến trình phát triển hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Điều này được đặc biệt thể hiện trong các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước. Hướng về địa phương, hướng về cơ sở, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp đã trở thành phương châm trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, qua đó từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Trong giai đoạn xác lập vị trí 2007 – 2011: Trên cơ sở kế thừa nền móng vững chắc về quản lý nhà nước được xây đắp từ giai đoạn trước và không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngành tài nguyên và môi trường đã xác lập được vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà. Với những mũi nhọn mang tính đột phá trong quản lý tài nguyên và môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực: địa chất khoáng sản, quản lý đất đai và tài nguyên nước, ngành đã từng bước nâng cao được giá trị đóng góp, từng bước phát huy được nguồn lực tài nguyên và môi trường để tạo thêm xung lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bên cạnh việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường và bước đầu triển khai hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Trong giai đoạn tăng cường kết nối, quản lý tổng hợp 2011-2016: Đồng thời với việc hoàn thiện thêm một bước về pháp luật, cơ chế chính sách về tài nguyên và môi trường với việc cơ bản hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành, bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, môi trường, quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, công tác chỉ đạo liên ngành và quản lý tổng hợp, sự kết nối hữu cơ của các lĩnh vực quản lý của Bộ ngày càng được củng cố và tăng cường. Điều đó thể hiện qua 02 nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Thưa các vị đại biểu, các đồng chí, đồng nghiệp,

Những thành tựu to lớn đạt được trong chặng đường 15 năm qua là nhờ Bộ đã nhận luôn được sự quan tâm sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Đặc biệt, đây chính là kết quả quá trình lao động đầy tâm huyết, cống hiến tận tâm, phấn đấu không biết mệt mỏi của các đồng chí Bộ trưởng tiền nhiệm Mai Ái Trực, Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Minh Quang và quyết tâm không ngừng vượt khó, sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhân dịp này, cho phép tôi được thay mặt thế hệ cán bộ Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong ngành ngày hôm nay bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sự tri ân sâu sắc đối với những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí: Mai Ái Trực, Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Minh Quang, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các cơ quan tiền thân của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã từng làm việc trong ngành.

Hôm nay, chúng tôi rất vinh dự, tự hào được tiếp bước các đồng chí, kế thừa những thành tựu to lớn do các đồng chí dày công đắp xây, đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm to lớn của mình trước Đảng, Chính phủ, nhân dân và các đồng chí trong việc phát triển ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn mới. Chúng tôi mong muốn các đồng chí sẽ luôn đồng hành và tiếp tục dành sự quan tâm, đóng góp tâm huyết cho sự phát triển tiếp theo của Bộ và ngành.

Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí, đồng nghiệp,

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, phát thải các-bon thấp. Những yêu cầu từ thực tiễn trong nước về giữ gìn bảo vệ tài nguyên và môi trường cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng như những thay đổi về chính sách liên quan đến tài nguyên và môi trường trên phạm vi toàn cầu đang và sẽ mang lại cho Bộ, ngành chúng ta nhiều thời cơ, thuận lợi mới, song cũng sẽ đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Ngay trong giai đoạn 2016-2021, nhiệm vụ đặt ra cho ngành tài nguyên và môi trường là về lâu dài, phải tận dụng được thời cơ, chuyển hoá được các thách thức, trở thành động lực cho phát triển bền vững với vai trò kiến tạo, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải các-bon thấp. Trước mắt, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa các lĩnh vực, giải quyết hài hòa giữa quản lý, sử dụng hiệu quả, huy động nguồn lực tài nguyên cho tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ được tài nguyên, môi trường; tạo sức lan toả trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, cũng như toàn xã hội nhằm hướng tới mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững, hạn chế sự thoái hoá, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tăng cường an ninh nguồn nước, gia tăng khả năng thích ứng và sức chống chịu với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện, xóa bỏ rào cản thể chế; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính để góp thêm xung lực cho phát triển kinh tế-xã hội; tạo nền tảng cho nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, tôi đề nghị toàn ngành chúng ta triển khai với quyết tâm cao một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

– Một là, hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường cấp cơ sở, nêu cao tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân được quán triệt thực hiện nghiêm túc, thể hiện trong việc cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của địa phương, cơ sở, người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

– Hai là, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý về tài nguyên và môi trường phù hợp với thực tiễn trong nước, hài hoà với các quy định quốc tế. Trước mắt tập trung đánh giá một cách khách quan tình hình thi hành để xác định, khắc phục những bất cập, lỗ hổng về chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; đề xuất những chính sách có tính mới, phù hợp với thực tiễn để tạo sự bước đột phá cho phát triển.

– Ba là, củng cố, nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đặc biệt cần nâng cao hiệu quả phối hợp với các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện thanh tra ở địa phương, tránh chồng chéo, trùng lắp.

– Bốn là, tập trung triển khai quyết liệt để tạo được chuyển biến mạnh mẽ công các cải cách hành chính trong năm 2017 và những năm tiếp theo; đặc biệt là cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và chỉ số cải cách hành chính (PAPI). Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công của ngành. Công bố công khai thủ tục tại nơi tiếp nhận, thiết lập hệ thống tiếp nhận đánh giá, phản hồi của người dân và doanh nghiệp để đánh giá kết quả cải các thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị.

– Năm là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản làm căn cứ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; khai thác, sử dụng, bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên của quốc gia. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ điều tra cơ bản, xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ công tác hoạch định chính sách về tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu của ngành phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng của công tác quan trắc và dự báo.

Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí, đồng nghiệp,

Tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành trong những năm qua, thế hệ cán bộ hôm nay với khát vọng vươn lên sẽ quy tụ, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đổi mới, sáng tạo để khẳng định vị trí của ngành trong nền kinh tế quốc dân; phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để xây dựng, phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày càng chính quy, hiện đại; quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của ngành cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Đồng thời, tích cực quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác đào tạo, chăm lo nhiều hơn nữa về đời sống vật chất và tinh thần cho các cán bộ công chức, viên chức và người lao động để trong toàn ngành có được đội ngũ cán bộ đủ trí, tài và lực nhằm phụng đất nước và ngành tài nguyên và môi trường.
Một lần nữa, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường, tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc các đồng chí lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ và gia đình dồi dào sức khỏe.

Chúc các đồng chí, toàn thể quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ban Biên Tập

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn văn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại buổi gặp mặt chào mừng 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường