(Moitruong.net.vn) – Sau một thời gian nắng nóng như mùa hè, những ngày gần đây nhiệt độ bỗng hạ thấp đột ngột, trời trở lạnh dễ khiến bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Để khỏe mạnh trong thời tiết ẩm ương này, bạn nên chú ý những điều dưới đây.
BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, thời tiết thay đổi quá nhanh từ gần 40 độ C chuyển xuống mức 23-25 độ C chỉ sau một đêm. Nhiệt độ giảm đột ngột này dẫn đến thay đổi môi trường sống làm cho cơ thể con người rất khó thích nghi, phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm. Những người thể trạng yếu hoặc không thích nghi kịp rất dễ bị nhiễm bệnh.
Trẻ nhỏ vốn là đối tượng “nhạy cảm” với thời tiết nhất. Những ngày qua, số lượng bệnh nhi vào khám tại Khoa cũng nhiều hơn vì bệnh đường hô hấp. Với kiểu thời tiết này, các bệnh hô hấp trẻ hay mắc là viêm mũi dị ứng có thể biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan, cảm cúm (rất dễ lây lan khi trời từ lạnh sang nóng, hoặc ngược lại), viêm phế quản, viêm phổi… Nhiều trẻ không sốt, chỉ sau hai ngày hục hặc ho, đi khám đã viêm phổi. Có những trẻ lại không ho nhiều, đầu chỉ âm ấm sốt đi khám cũng đã viêm phổi.
Nhiệt độ thất thường, đang cao chuyển sang lạnh, ẩm là điều kiện lý tưởng cho virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người như cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu.
Trẻ nhỏ là đối tượng “nhạy cảm” nhất với thời tiết, vì vậy cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Ngân Dương
Theo BS Nguyễn Danh Đức, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Medlatec, mặc dù bệnh cúm có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày nhưng các bậc cha mẹ không nên chủ quan. Nếu lơ là và gặp các loại cúm virus có động lực mạnh có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết… gây suy đa phủ tạng và tử vong cho bệnh nhân rất nhanh.
Hiện tượng thời tiết nóng chuyển lạnh đột ngột những ngày gần đây không chỉ là trẻ em, nhiều người lớn tuổi phải nhập viện. Tương tự, theo ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số lượng bệnh nhân do tai biến và các bệnh tim mạch nhiều hơn. Ngoài ra, bệnh đau xương khớp của nhiều người cũng tái phát. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động. Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ.
Khi nào cần đưa trẻ đến viện?
Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong thời tiết thất thường hiện nay, BS Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần chú ý hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết nóng lạnh thất thường để tránh cho trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Sử dụng điều hòa, quạt máy cho trẻ cũng cần thận trọng. Việc cho trẻ nằm quạt máy, trong phòng lạnh rồi đột ngột ra ngoài trời nóng hoặc ngược lại rất dễ khiến trẻ bị mắc các chứng bệnh đường hô hấp do khí hậu thay đổi quá nhanh.
Ngoài ra, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu. Trong cùng một gia đình cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp. Bởi vậy, khi trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… để không lây bệnh sang các thành viên khác.
Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu sốt tăng lên, ho nhiều, tiêu chảy, mất nước với dấu hiệu mắt trũng, môi khô, khát liên tục… thì cần đưa trẻ đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Để chủ động giữ sức khỏe trong thời tiết nóng lạnh thất thường, các chuyên gia y tế cũng khuyên mọi người hàng ngày cần theo dõi thông tin thời tiết để ứng phó với mưa nắng bất thường. Nếu có đi du lịch, nhất là thời điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 thì cần xem dự báo thời tiết để chuẩn bị quần áo, đồ dùng chống nắng, chống mưa phù hợp. Trường hợp trẻ bị ốm không nên cho trẻ đi chơi dịp này.
Trẻ em là đối tượng hay mắc viêm phổi khi giao mùa
Tăng cường sức đề kháng bằng việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Thường xuyên bổ sung lượng nước sinh bù tân dịch bị hao tổn do bài tiết. Tốt nhất là các loại nước có tính mát, nước hoa quả, đồ uống thể thao.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh chúng ta cần đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn. Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại và tiêm vaccine phòng bệnh. Đặc biệt, gia đình có người lớn tuổi nên có máy đo huyết áp trong nhà, khi thấy các triệu chứng như mệt, khó thở, nhức đầu, chóng mặt nên nhanh chóng đo huyết áp và uống thuốc cân bằng huyết áp ngay.
Theo Gia đình & Xã hội