Dịp cuối năm thiếu hụt lao động nghề cá

Minh Anh (t/h)|18/12/2019 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nghề đi biển mang tính thời vụ, lại thu nhập bấp bênh nên những năm gần đây có không ít ngư dân bỏ nghề khiến các chủ tàu xa bờ lao đao tìm lao động…

Tại Cảng cá Thừa Thiên-Huế (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), vào một ngày cuối năm 2019. Sáng sớm, cảnh mua bán tấp nập khi nhiều tàu cá xa bờ vừa cập cảng với khoang thuyền đầy ắp cá. Trên cầu cảng, nhiều phụ nữ làm nghề thu mua hải sản đang cân những rọ cá các loại để chất lên xe chở đến chợ đầu mối, hoặc các kho chứa hải sản đông lạnh cấp đông chờ cung ứng ra thị trường. Mặc dù hoạt động mua bán hải sản dịp cuối năm diễn ra nhộn nhịp, nhưng có một điều nghịch lý là không ít chủ tàu cá phải cho tàu nằm bờ vì không tìm ra lao động nghề cá.

Ngư dân Nguyễn Văn Minh (ở xã Phú Thuận) tâm sự rằng, dịp cuối năm, dù nhu cầu tiêu thụ hải sản trên thị trường tăng cao, nhưng sau chuyến biển vừa rồi, ông phải cho tàu nằm bờ, vì tìm không đủ lao động đi biển. “Tàu cá của tôi có công suất gần 500CV nên mỗi chuyến ra khơi phải 12 lao động, hoặc cao hơn. Nhưng vì cuối năm, người lao động thường bận công việc gia đình, một số chuyển sang làm các nghề thời vụ có thu nhập cao hơn nên họ không mặn mà với việc ra khơi.

Ảnh minh họa

Nhiều ngày qua, tôi đã gọi rất nhiều ngư dân ở địa phương và ở các xã lân cận nhưng chỉ mới có 7 lao động đồng ý đi biển, còn những người khác đều từ chối. Nếu đợi thêm 1, 2 ngày nữa mà không có thêm lao động đi biển thì tôi vẫn nhất quyết cho tàu ra khơi đánh bắt vụ Tết, chứ không thể nằm bờ mãi được!”.

Cũng tương tự, xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) là một trong những địa phương có số tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt dài ngày nhiều nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thời gian qua các chủ tàu đều thiếu người đi biển và thường xuyên phải ra khơi trong tình trạng thiếu 3 đến 5 người so với trước kia. Trên các khu vực ở Cảng Cửa Sót, nhiều tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì không có đủ bạn thuyền.

Ông Nguyễn Văn Lòng, thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh, chủ tàu cá với công suất hơn 800 CV (được đóng theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ) chia sẻ: Ròng rã nhiều tháng nay, tàu của tôi phải nằm bờ. Một phần do chi phí mỗi chuyến ra khơi lớn, phần do thiếu bạn thuyền. Nghề câu ngày càng khó khăn hơn khi ngư trường cạn kiệt, nhiều lao động đã không còn mặn mà với nghề truyền thống này.

Câu chuyện thiếu lao động đi biển đang là một thực tế khá phổ biến tại xã Thạch Kim. Cũng vì nguyên nhân này, một số ngư dân ở Thạch Kim chưa mặn mà với việc cải hoán tàu thuyền. Ông Phạm Minh Tịnh, ở thôn Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, cho biết: Đã nhiều lần định cải hoán tàu thuyền công suất lớn, nhưng trước thực tế lao động nghề biển ngày càng khan hiếm, tôi vẫn ra khơi trên con tàu 55 CV.

Số lượng tàu thuyền tại xã Thạch Kim tương đối lớn với hơn 100 tàu thuyền các loại, trong đó có 26 tàu công suất trên 90 CV, số còn lại công suất dưới 90 CV. Với mỗi chuyến ra khơi, tàu công suất lớn cần từ 15 đến 20 lao động, tàu công suất vừa và nhỏ cần từ 5 đến 7 lao động cho một chuyến biển, tổng số cần khoảng 1.000 lao động trên các tàu cá. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, khi lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động ngày càng tăng, tỷ lệ lao động sống bằng nghề đi biển ở Thạch Kim chỉ đáp ứng được một phần nhỏ khối lượng công việc.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, cho biết: Những năm qua, Thạch Kim đã chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cùng với khó khăn trong việc thiếu bạn tàu, nghề cá còn đứng trước một vấn đề nan giải khi lực lượng lao động bám biển đang có xu hướng ngày một già hóa.

Hiện nay, số lượng lao động đi biển của xã Thạch Kim có khoảng 600 người, nhưng độ tuổi từ 45 trở lên chiếm tới hơn 70%. Và thực tế, nhiều tàu 100% lao động có độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi. Lao động trẻ mặc dù có sức khỏe nhưng lại không mặn mà với nghề truyền thống.

Câu chuyện thiếu lao động nghề biển, đặc biệt là lao động có tay nghề cao cũng đang là thực tế khá phổ biến hiện nay tại các vùng biển khác như Xuân Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)… Theo số liệu từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có gần 4.000 phương tiện nghề cá, trong đó 374 tàu cá xa bờ có công suất trên 90 CV, số còn lại từ 20 đến dưới 90 CV.

Trước thực trạng thiếu hụt lao động nghề cá dịp cuối năm, chính quyền các địa phương đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền để ngư dân, người lao động, nhất là lao động trẻ tích cực vươn khơi bám biển. Tàu, thuyền có vươn khơi bám biển thì mới đảm bảo được nguồn cung hải sản cho thị trường vào dịp cuối năm, mặt khác hoạt động bám biển của ngư dân còn góp phần bảo vệ ngư trường, lãnh hải của Tổ quốc…

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịp cuối năm thiếu hụt lao động nghề cá