Doanh nghiệp và giá trị cốt lõi phục hồi sản xuất kinh doanh

Ts. Đoàn Duy Khương|15/07/2024 10:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn; thiếu chuyên nghiệp; không tập trung vào năng lực cốt lõi và đầu tư dàn trải, gây lãng phí,…là những nguyên nhân chính khiến tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua chưa có chuyển biến rõ rệt.

Đây là những chia sẻ thẳng thắn của Ts. Đoàn Duy Khương - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong bài viết của mình. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống-Moitruong.net.vn xin giới thiệu bài viết của Ts. Đoàn Duy Khương xung quanh về vấn đề này.

doan-duy-khuong.jpg
Ts. Đoàn Duy Khương - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

1. Doanh nghiệp và giá trị cốt lõi

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp có trên 800 nghìn doanh nghiệp (khoảng 98% là doanh nghiệp SME với loại hình phổ biến là công ty TNHH), trong đó có trên 22 nghìn doanh nghiệp FDI và gần 900 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong 5 năm vừa qua và đặc biệt là hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được nhiều cơ hội kinh doanh do hội nhập quốc tế mang lại. Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro do Covid, xung đột vũ trang và sự bất ổn của kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất… Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa có chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh các lý do khách quan, có thể nói nguyên nhân chính của tình hình trên là năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với yêu cầu của hội nhập. Đây là vấn đề tồn tại lớn nhất sau khi Việt nam gia nhập WTO. Do quy mô còn quá nhỏ, năng lực quản lý của doanh nghiệp hạn chế… một số doanh nghiệp lớn trong nước chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn, chuyên nghiệp, không tập trung vào năng lực cốt lõi, đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà phần nào đã làm cho cơ cấu kinh tế mất cân đối và tăng trưởng không bền vững.

15-dn0.jpg
Ảnh minh họa

Kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, lạm phát cao xảy ra trên diện rộng, khủng khoảng nợ công đang lan rộng ở Châu Âu, tình trạng thất nghiệp không chỉ trầm trọng hơn ở các nước kém triển mà kể cả các đầu tàu kinh tế cũng đang phải đối mặt,… Tình hình này, đòi hỏi các các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và xây dựng các công cụ phân tích nhằm định vị giá trị cốt lõi của mình để vượt qua thách thức và nắm bắt các cơ hội mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

2. Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
2.1 Giá trị cốt lõi

Một doanh nghiệp phải được coi là một chuỗi của các giá trị gia tăng được tạo ra bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp và hoạt động hỗ trợ. Hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm việc tạo sản phẩm, marketing, phân phối và dịch vụ sau bán hàng. Hoạt động hỗ trợ bao gồm nguồn lực, hạ tầng đầu vào, khả năng lãnh đạo, văn hóa, IT…(hỗ trợ tạo giá trị gia tăng và giảm chi phí). Năng lực của doanh nghiệp là tập hợp chuỗi giá trị gia tăng của các hoạt động đó. Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là các năng lực như vậy và có lợi thế so sánh với các đối thủ cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp có thể định vị theo cấp độ

(1) Giá trị cốt lõi cơ bản: Là những năng lực có thể giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro và khai thác được các cơ hội.

(2) Giá trị cốt lõi đặc biệt: Là những năng lực mà các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp không có.

(3) Giá trị cốt lõi khó có thể sao chép: Là những năng lực các đối thủ khác không dễ xây dựng và phát triển do các nguyên nhân như: Điều kiện thiên nhiên, điều kiện lịch sử (quan hệ), khó sao chép…

(4) Giá trị cốt lõi không thể thay thế: Là các năng lực liên quan đến tài sản trí tuệ, thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp

2.2 Xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Theo các nhà lý thuyết quản trị doanh nghiệp, muốn xác định các giá trị cốt lõi thì tối thiểu doanh nghiệp luôn phải xây dựng cho mình 3 công cụ phân tích các năng lực của doanh nghiệp hay nói cách khác là phân tích các năng lực tạo ra giá trị gia tăng trong các hoạt động của doanh nghiệp: (1) Phân tích thuận lợi khó khăn; (2) Phân tích đối thủ cạnh tranh; (3) Phân tích khả năng cạnh tranh.

(1) Phân tích những thuận lợi khó khăn: là phân tích các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa giúp cho chúng ta nhận định được những điểm mạnh, điểm yếu cũng như những thách thức và cơ hội của hoạt động đó trong các yếu tố hệ sinh thái khách quan.

(2) Phân tích về đối thủ cạnh tranh: Là phân tích các hoạt động trong chuỗi giá trị của các đối thủ chiến lược của doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề đó và từ đó chúng ta có thể có được sự nhận định về những lợi thế so sánh về năng lực giữa các đối thủ, giúp chúng ta biết “người” trong môi trường cạnh tranh.

(3) Phân tích khả năng cạnh tranh: Đóng vai trò quyết định để “biết ta” trong việc lựa chọn xây dựng và phát triển giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong phân tích này, trước hết phải xác định được thị trường và thị phần của sản phẩm doanh nghiệp để có thể đầu tư bền vững lâu dài một cách chuyên nghiệp cho phát triển giá trị cốt lõi. Hay nói cách khác là phải trả lời được các câu hỏi về vị trí, sự ổn định, dự báo khả năng phát triển… của thị trường, khách hàng dự định chúng ta sẽ nhằm tới. Ngoài ra, còn phải phân tích được các điều kiện về những yếu tố sản xuất của cả ngành đó bao gồm các chi phí đầu vào cơ bản, trực tiếp, mang tính truyền thống như: nguyên, nhiên liệu, nhân công và các chi phí đầu vào gián tiếp, mang tính cạnh tranh công nghiệp như; dịch vụ, đóng gói, chất lượng, nghiên cứu, phát triển, công nghệ, tài chính, hậu cần…. Hơn nữa, phân tích khả năng cạnh tranh còn phải phân tích về tính liên kết của các ngành phụ trợ và có liên quan như nghiên cứu, đào tạo, xúc tiến, vận chuyển, tài chính, hải quan, đất đai…

3. Kết luận

Trong xây dựng chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp, Chính phủ cần chú trọng xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Ngoài ra, Doanh nghiệp cần định vị tốt thị trường theo nguyên tắc giữ vững thị trường trong nước, từng bước tiến ra thị trường khu vực ASEAN và quốc tế. Tuy nhiên, phát triển giá trị cốt lõi đóng vai trò quan trọng quyết định đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Việc xa rời các giá trị cốt lõi sẽ dẫn tới sự không bền vững và thất bại của doanh nghiệp nhất là trong thời kỳ kinh tế khủng khoảng. Mặc dù vậy, cũng cần nhận thức rằng: không có giá trị cốt lõi nào của doanh nghiệp sẽ mãi là vũ khí cạnh tranh toàn diện và tuyệt đối. Hơn nữa, việc duy trì quá lâu giá trị cốt lõi sẽ làm doanh nghiệp kém tính sáng tạo và đổi mới. Chính vì vậy, việc không ngừng phát triển và hoàn thiện các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và sự cân đối hợp lý giữa chiến lược xây dựng giá trị cốt lõi và chiến lược liên kết đối tác sẽ đóng vai trò quyết định thành công của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và trong thời kỳ kinh tế chuyển đổi nhằm nâng cao khả năng canh tranh và phát triển doanh nghiệp bền vững. Sự phát triển của doanh nghiệp thông qua xây dựng và phát triển giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ đảm bảo hiệu quả cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Doanh nghiệp và giá trị cốt lõi phục hồi sản xuất kinh doanh