– Mùa Xuân đang về với đất trời và con người Xứ Lạng, mang theo hương sắc của núi rừng và tình cảm con người nơi biên cương Tổ quốc. Đối với người Tày Xứ Lạng, cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và phong tục đón Tết Nguyên đán của đồng bào nơi đây vẫn được bảo tồn, gìn giữ.
>>> Độc đáo ngày Tết của người dân vùng biển
Người Tày xứ Lạng quan niệm Tết chỉ tập trung trong mấy ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp âm lịch đến mồng 2, mồng 3, nhưng nghi lễ Tết lại kéo dài trong cả tháng Giêng. Do vậy mà người Tày có tục từ ngày 1 đến ngày 3 là Tết lớn (Chiêng, kin chiêng), còn ngày 30 tháng Giêng âm lịch là Tết nhỏ (Kin đắp nọi – ăn tết nhỏ).
Tết Nguyên đán của người Tày xứ Lạng đã tạo lập và giữ được bản sắc riêng thể hiện qua từng nghi lễ và lễ vật thờ cúng
Việc chuẩn bị đón Tết
Trước Tết từ 1 đến 2 tháng người dân tất bật chuẩn bị gạo, mộc nhĩ, măng khô, fúng xoòng (lạp xườn), thịt lợn… để làm cỗ Tết. Nhưng có lẽ quan trọng và sinh động nhất trong văn hóa Tết của người Tày là công việc fừn nèn (chuẩn bị củi Tết).
Những ngày giáp Tết, công việc chuẩn bị đón Tết chia đều cho mọi người: đàn ông làm những việc như thịt lợn, fúng xoòng, sửa sang và quét dọn nhà cửa… Đàn bà thì làm bánh khảo, khẩu sli, chuẩn bị lá dong và gạo nếp để gói bánh chưng, sắm sửa áo mới cho gia đình, chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, giấy và vàng mã…
Chiều 30 Tết, nhà ai cũng lo quét dọn bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, làm cơm tất niên cúng tổ tiên. Sau khi trang hoàng nhà cửa đồng bào lấy giấy đỏ dán vào những đồ dùng, cây cối, cửa nhà và chuồng gia súc, gia cầm… để gặp nhiều may mắn trong năm mới. Mỗi gia đình đều cắm cây nêu trước cửa với mong muốn xua đuổi tà ma không đến quấy nhiễu.
Nghi thức và lễ vật thờ cúng
Trong các nghi thức ngày Tết, cúng gia tiên chiều tối 30 và sáng mùng 1 là nghi thức quan trọng nhất của người Tày. Theo phong tục của người Tày, ngoài 2 ban thờ chính là bàn thờ gia tiên và Phật Bà Quan Âm, gia đình nào có ông Mo và bà Then sẽ có thêm bàn thờ Mè Nàng. Chủ nhà sẽ dâng lên bàn thờ gia tiên những lễ vật mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc như: Bánh chưng dài, con gà, rượu men lá, bánh khẩu sli, pênh khô, bánh khảo…
Vào thời khắc Giao thừa đón năm mới, người Tày sẽ thắp nén hương thơm, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên, sau đó rót rượu mời và chúc ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Ông bà cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hàng xóm láng giềng đi chơi chúc Tết lẫn nhau, ngâm những câu sli ngọt ngào với lời chúc tốt đẹp: gia đình năm mới hạnh phúc tràn đầy, làm ăn tấn tới. Họ cùng chia sẻ những niềm vui trong năm cũ và chúc cho năm mới sẽ có nhiều may mắn. Vào lúc cuộc trò chuyện vui vẻ, hứng khởi nhất, họ cùng nhau chơi trò “lảy cỏ” (tức là chơi chuyện). Âm thanh rộn rã của trò chơi, tiếng cười vui hòa cùng chén rượu nồng càng làm cho không khí ngày xuân trên các bản làng người Tày thêm rạo rực.
Với quan niệm: Nước suối buổi sáng sớm mùng 1 Tết hoàn toàn tinh khiết, lấy nước này về thờ cúng tổ tiên để thể hiện tấm lòng kính trọng đối với những người đã khuất… Nước lấy vào dịp đầu năm còn có tác dụng xua đuổi mọi đen đủi, tà ma, cầu mong năm mới nhiều may mắn.
Sáng mùng 1 Tết mọi người sẽ dậy sớm đi lấy nước tại một nơi có nước trong sạch và đặt cành lá đào lên trên bát nước vừa lấy về rồi dâng lên bàn thờ: Lá đào dùng để tẩy những gì không tốt, ô uế, xác lập lại bằng một nguồn nước thanh thủy. Các cụ dùng để rửa mặt, rửa tay từ ngày mùng 1 đầu năm mới vạn sự tốt lành, trong như nước nguồn này. Đồng thời, cũng trong ngày mồng 1 Tết, người Tày kiêng đến nhà người khác, mà thường ở nhà mình nghỉ ngơi. Trưởng họ đi chúc Tết con cháu trong họ. “Chúc vui, phát tài, tháng Giêng năm mới, làm gì cũng được, ước gì cũng thấy”. Họ kiêng sát sinh, không quét nhà và họ sẽ mang lễ vật ra miếu để cúng thần thổ công, để thần phù hộ cho năm mới làm ăn thuận lợi, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, gia đình gặp nhiều may mắn.
Ngày mùng 2 Tết, người Tày xứ Lạng đi siêu Tết gia đình bên ngoại. Từ mùng 2 đến 15 tháng Giêng mỗi dòng họ sẽ lựa chọn ngày để đi siêu Tết. Lễ vật siêu Tết gồm con gà trống thiến (nếu không có thì thay bằng 3 miếng thịt lợn muối), cặp bánh chưng, chai rượu, hoa quả. Ngoài ra, trong ngày mùng 2 Tết đội múa sư tử biểu diễn khắp bản, đi từng nhà để chúc mừng năm mới.
Hết ngày mùng 3 Tết người dân thực hiện nghi lễ slau xòng nèn (cất mâm tết), sau lễ này gia đình nào có việc sẽ bắt tay vào làm. Còn nếu không bận việc, người dân sẽ chơi Tết đến hết ngày 15 tháng Giêng. Suốt từ mồng 3 Tết đến hết tháng Giêng âm lịch, bà con dân tộc Tày xứ Lạng tiếp tục ăn Tết và vui xuân với tục thăm hỏi nhau, thanh niên nam nữ tổ chức hát gieo duyên (Sli, lượn) ở thôn bản, ở chợ phiên….Trong đó, lớn nhất phải kể đến Hội Lồng Tồng.
Ngày 30 tháng Giêng, người Tày ăn Tết đắp nọi, lễ vật cúng gồm con gà trống, thịt lợn, khẩu sli… Tết đắp nọi là một nghi lễ kéo dài của Tết Nguyên đán, mang ý nghĩa thờ cúng thổ công, tổ tiên và kết thúc tháng Tết.
Ngày hội không thể thiếu – Hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng)
Hội Lồng Tồng là hội mở đầu vụ gieo trồng, nên người ta còn gọi đó là ngày hội xuống đồng. Tùy từng địa phương mà hội Lồng Tồng tổ chức vào một ngày nào đó, có nơi người ta có sự “xếp đặt” ngày mở hội Lồng Tồng sao cho xen kẽ nhau, có nơi này còn đến nơi kia tham dự.
Đó cũng là ngày hội xuân, thời điểm giao hòa âm dương, cầu mong mùa màng, muôn vật sinh sôi nảy nở, đó là ngày lễ cầu an toàn cho toàn thể cộng đồng bản làng bước vào năm mới. Trên cơ sở những nghi lễ như vậy đã nảy sinh và tích hợp nhiều hoạt động vui chơi giải trí mang tính phong tục.
Chủ trì ngày hội Lồng Tồng, tùy nơi có thể là ông Thại Đinh (Ông coi ngôi đình) hay là ông chủ coi việc thờ cúng Thần Nông. Nơi mở hội thường là ở gần đình, trên một thửa ruộng rộng gọi là Nà Lồng Tồng. Sau khi thầy cúng làm lễ dâng Thần Nông và Thành Hoàng, các gia đình mở cỗ và làm lễ phá cỗ (hạ bàn). Ở một số nơi, cùng với nghi lễ cúng Thần Nông và Thành Hoàng thì người ta còn làm lễ hiến sinh ba con vật sống, gọi là Slam sleng: Trâu, lợn, gà hoặc lợn, dê, gà. Sau những nghi lễ kể trên, ngay trên thửa rộng Nà Lồng Tồng đã diễn ra các trò vui chơi giải trí như: Ném còn, kéo co (kẻo tỏi), Nghi lễ tung hạt giống, diễn trò tứ dân hay sĩ nông, múa Kì Lân….
Giờ đây, dù cuộc sống có nhiều thay đổi song người Tày xứ Lạng vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống riêng trong dịp Tết Nguyên đán. Mỗi tục lệ, tập quán được thể hiện đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Bích Thuần