Cơ trưởng Nghiêm Duy Long hiện đang làm việc tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines. Người đã gắn bó với nghề bay được hơn 10 năm vui vẻ chia sẻ, anh em phi công xác định nghề bay là nghề đặc thù, thường xuyên phải vắng nhà vào các dịp Lễ, Tết. Ngày chỉ được phân biệt bằng ngày bay và ngày không bay, cứ có lịch bay là anh em phi công lên đường bất kể thời điểm nào. Nhưng bay vào giờ khắc giao thừa bao giờ cũng là những chuyến bay có nhiều cảm xúc nhất.
“Tết đến, xuân về, hàng ngàn hành khách đang đợi mình, ai cũng đang mong nhanh được về bên gia đình. Sau mỗi chuyến bay, chúng tôi thấy vui và hạnh phúc vì mình đã góp phần đưa hành khách về đoàn viên bên gia đình, hoặc góp phần giúp hành khách đạt được mục đích cụ thể nào đó trong công việc, trong cuộc sống” – Cơ trưởng Nghiêm Duy Long chia sẻ.
Tôi không bao giờ quên một lần đón giao thừa tại Haneda – Tokyo. Hôm đó trời rất giá lạnh, gió to không thể đi ra ngoài đường. Tất cả các siêu thị, nhà hàng đều đóng cửa, thế là các anh em tổ bay chuyến đó đón giao thừa với cái bụng trống rỗng. Lúc đó thực sự nhớ nhà, nhớ hương vị bánh chưng quê hương … Phi công cũng như mọi người thôi, ai cũng muốn được ở bên gia đình, nhất là vào những ngày Tết cổ truyền hay ngày sinh nhật của bố mẹ, vợ con.
Cơ trưởng Nghiêm Duy Long gắn bó với nghề bay hơn 10 năm và thường xuyên bay vào dịp Giao thừa, Tết.
Với những tiếp viên có nhiều năm trong nghề của hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines, khi được hỏi, họ đều không nhớ xuể có bao nhiêu lần được cất cánh bay đêm Giao thừa. Với họ chuyến bay Tết nào cũng chứa đựng nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Tiếp viên Vũ Lan Phương bộc bạch: “Đi làm tiếp viên rồi mới hiểu, tiếp viên sẽ không có ngày lễ Tết như bình thường, chỉ có những chuyến bay với mong muốn đưa hành khách tới nơi an toàn và dịch vụ tốt nhất để hành khách vui vẻ, thoải mái, hài lòng trong suốt chuyến bay. Tuy có chút chạnh lòng, nhưng nhìn hành khách của mình háo hức về với gia đình, trong lòng em rất vui mừng vì đã giúp được mọi người về đoàn tụ, đón Tết tại quê nhà”.
Bay Giao thừa là những chuyến bay mà phi hành đoàn và hành khách phải cất cánh lúc 23h hơn ngày 30 Tết. Hành khách lên máy bay, nhân viên phi hành đoàn ai nấy đều vào vị trí. Đồng hồ điểm thời khắc Giao thừa và xa xa những cột pháo hoa bừng sáng giữa màn trời đêm. Cảm giác lúc này khó tả lắm, có một chút gì bâng khuâng lắng đọng. Và sau giây phút ấy, chúng tôi lại trở về với công việc thường nhật, đón khách và nhận những lời chúc mừng năm mới từ hành khách đến từ muôn phương, tiếp viên trưởng Vũ Thị Cẩm Tú chia sẻ.
Cũng là một trong những tiếp viên kỳ cựu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines, tiếp viên trưởng Nguyễn Mỹ Ngọc Diệm tự hào: “Trong những chuyến bay xuân, tiếp viên trưởng thường có những bài giới thiệu về Tết cổ truyền của dân tộc qua hệ thống phát thanh sau đó thay lời phi hành đoàn gửi lời chúc mừng năm mới, lời cảm ơn đến toàn thể hành khách. Không chỉ lần đầu tiên mà mỗi lần được nghe, thậm chí sau này được nói những lời tri ân đấy tôi vẫn thấy bâng khuâng đến khó tả. Đó không đơn thuần là những lời nói xã giao lịch thiệp mà còn chứa đựng tình cảm của những nhân viên hàng không dành cho hành khách. Trong đó còn mang theo lòng tự hào, tự tôn về nét đẹp truyền thống ngàn đời của người Việt muốn gửi gắm đến hành khách muôn phương”.
Các chị cho biết, trước những chuyến bay, phi hành đoàn thường có những cuộc họp nhanh. Với những chuyến bay đêm Giao thừa, ngoài nội dung họp thông thường, phi hành đoàn còn dành thời gian để gửi tới nhau lời chúc mừng năm mới. Như thành thông lệ, vào thời khắc này, các anh chị phi công, tiếp viên trưởng lại gửi tới các thành viên trong phi hành đoàn những tấm lì xì nhỏ với lời chúc năm mới thành công.
Họp xong cũng là lúc phi hành đoàn được tiếp nhận những túi hành lý đặc biệt, đó chính là những vật phẩm mang đậm hơi Xuân như gói bánh chưng, khoanh giò, hộp mứt Tết… được hãng chuẩn bị để anh chị em đón giao thừa trên không.
Chị Vũ Thị Mai Loan vẫn nhớ lần đầu tiên được đón Giao thừa trên không là chuyến bay đi Nhật Bản cách đây mười mấy năm: “Lúc đó, tôi mới có 20 tuổi, lần đầu tiên xa nhà trong đêm Giao thừa, chuyến đó khách ít, chủ yếu là khách nước ngoài nên khi phục vụ xong, anh chị em có chút ít thời gian để đón năm mới. Bữa tiệc nhỏ đón giao thừa của phi hành đoàn có bánh chưng, giò, xôi, hoa quả và các vật phẩm khác do các thành viên của phi hành đoàn mang theo”.
Có lần trên chuyến bay đón giao thừa chỉ có duy nhất một nam hành khách Việt. Cả tổ bay đã quyết định mời vị khách này vào cùng chung vui trong khoang bếp, sau phút ngại ngần, vị nam hành khách đã hòa mình vào bữa tiệc nhỏ cùng trải nghiệm phút giây đón Giao thừa với phi hành đoàn trên không. Bữa tiệc nhỏ đón Giao thừa lần đó rất vui, vị nam hành khách đã không ngớt lời cảm ơn gửi tới phi hành đoàn trước khi rời máy bay.
Phi hành đoàn gửi những lời chúc Tết, cùng phong bao lì xì đỏ tới những hành khách.
Cơ trưởng Phan Tiến Ngà đã trải qua 29 cái Tết trong nghề bay, chưa có một cái Tết nào anh được ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình. Kể về những thời khắc làm nhiệm vụ vào đêm giao thừa, anh chia sẻ: “Dù đã thực hiện nhiệm vụ bay xuyên giao thừa rất nhiều lần rồi, nhưng vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới không ai tránh khỏi một chút chạnh lòng”.
Anh Ngà cho rằng, điều khiến anh cảm động nhất lại đến từ các đồng nghiệp. Đặc biệt là các bạn trẻ mới vào nghề, các tiếp viên nữ đã có gia đình, con còn bé. “Đã rất nhiều lần chứng kiến các nữ tiếp viên không giấu được xúc động, bật khóc vào lúc giao thừa khi nhớ đến gia đình, nhớ chồng con”. Những lúc ấy, cả tổ bay lại cùng động viên, an ủi nhau là mình dùng thời gian đi làm nhiệm vụ của mình mà đổi lại bao hành khách được sum họp, bao đồng nghiệp được quây quần bên gia đình đón năm mới, như thế chẳng đáng để vui vẻ đánh đổi hay sao…
Cùng an ủi đồng nghiệp, cùng chia sẻ những lời chúc tụng năm mới, rồi lại nhanh chóng nguôi ngoai, lại phục vụ hành khách an toàn, chỉn chu, tận tâm nhất có thể. Trong câu chuyện, cơ trưởng Ngà luôn dành cho những đồng nghiệp nữ của mình khi phải rời gia đình đi bay Tết sự thương mến, cảm thông sâu sắc.
Đằng sau những chuyến bay Tết an toàn, đảm bảo chất lượng dịch vụ là nỗ lực của những con người thầm lặng dưới mặt đất. Trong giai đoạn cao điểm Tết từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, mỗi ngày Vietnam Airlines thực hiện hơn 400 chuyến bay. Anh Phương và chị Thảo – nhân viên Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam cho biết đặc thù ngành hàng không đòi hỏi thời gian làm việc cả trong lễ, Tết và vào khung giờ đêm, rạng sáng. Năm nay, hai anh chị đều phục vụ hành khách, hành lý xuyên Giao thừa.
Đặc thù công việc vất vả như vậy nhưng họ vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề để góp phần mang cái Tết trọn vẹn hơn tới mọi người. Như tiếp viên Lan Phương chia sẻ: “Những ngày Tết của tiếp viên hàng không tuy rất vất vả, nhưng tụi mình vẫn tìm kiếm được rất nhiều niềm vui bên công việc. Những ngày năm mới, tiếp viên chúng mình không mong gì hơn là những chuyến bay suôn sẻ, nhận được nhiều lời chúc và nụ cười của hành khách cũng là món quà tinh thần động viên rất lớn đối với chúng mình rồi”.
Trung Hiếu