Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn ảnh hưởng đến nông nghiệp và dân sinh

Ngọc Linh|02/03/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về việc đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên cao trong tháng 3-2020.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô năm 2019-2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8 đến 14-2 (đạt đỉnh ngày 12-2) với ranh mặn 4 g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55-74 km.

Đến thời điểm cuối tháng 2/2020, dù chưa đến đỉnh điểm của hạn, mặn nhưng nhiều nơi ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng. Tại huyện U Minh (Cà Mau), hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Ở tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng gặp cảnh tương tự, đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ, nông dân phải bỏ ruộng.

>>> Xem thêm: Khả năng nguồn nước ngọt xuất hiện giữa cao điểm hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang tình hình cũng không khá hơn, nhất là tỉnh Bến Tre mặn đã xâm nhập hầu như toàn tỉnh. Hàng nghìn ha lúa đang có nguy cơ mất trắng cùng với gần 80.000 người dân nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt.

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, từ ngày 29-2 đến 6-3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm theo kỳ triều xuống, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45-55 km trở lên tại thời điểm thủy triều thấp.

Từ ngày 7 đến 15-3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4 g/l, phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100-110 km; sông Cổ Chiên, Sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70 km; Sông Cái Lớn khoảng 62-65 km…

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp vụ hè thu 2019 – 2020

Thời gian xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long tiếp tục diễn ra trong 3/2020. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao trong tháng 3 và 4/2020. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

Lo ngại nhất là tình trạng hạn, mặn kéo dài và sâu hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đê bao chưa khép kín, ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cây ăn trái và nguồn nước sinh hoạt người dân. Mặc dù cơ quan chức năng chủ động triển khai nhiều biện pháp vận hành hệ thống cống thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt nhưng do nước mặn năm nay xuất hiện sớm và xâm nhập nhanh vào sông rạch, kênh mương thủy lợi từ 60 – 70km với độ mặn từ 3 – 10 ‰ đã thấm vào nội đồng và vùng ngọt hóa.

Cuối tháng 3-2020, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng.

Bộ NN&PTNT nhận định đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.

Dự báo có 80.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn trong mùa khô năm 2019-2020.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đây là vấn đề lớn, cần phải đặc biệt quan tâm vì thiệt hại về cây ăn quả sẽ mất cả chục năm để khôi phục.

>>> Xem thêm: Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp vì hạn mặn

Để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng; tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao; chưa tổ chức xuống giống lúa vụ hè thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn…

Ngoài ra, các địa phương tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước; tiếp tục giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy các tuyến kênh. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, thông báo lịch vận hành công trình và diễn biến tình hình mực nước, mặn để người dân biết chủ động nguồn nước tưới. Đồng thời đắp đập, đóng các cống ngăn mặn…

Ngọc Linh

   
Bài liên quan
  • Nam Bộ: Thiếu nước do hạn mặn bủa vây
    Moitruong.net.vn – Xâm nhập mặn tháng 3 tại Nam Bộ ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 02/2020 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt do thiếu nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn ảnh hưởng đến nông nghiệp và dân sinh