Đồng bằng sông Cửu Long tăng sức chống chịu vùng ven biển bằng các khu rừng ngập mặn

Minh Châu|11/06/2022 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tăng cường sức chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua trồng rừng ngập mặn.

Chiều 10/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), dự án đồng sử dụng vốn vay của ADB và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 – 2029. Mục tiêu nhằm bảo vệ và phát triển rừng ven biển, đồng thời, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham gia dự án khôi phục rừng ngập mặn

Nhằm hỗ trợ Bộ NN&PTNT và ADB trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển dự án, Chính phủ Hà Lan đã chỉ định Tập đoàn Royal HaskoningDHV và Wetlands International thực hiện nghiên cứu về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long”, với những bài học kinh nghiệm quốc tế dưới góc nhìn tổng thể toàn diện về các yếu tố thành công và thất bại đối với các dự án phục hồi rừng ngập mặn.

Tại hội thảo, các chuyên gia Hà Lan đã đưa ra cách tiếp cận thuận thiên để phát triển rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Vành đai rừng ngập mặn và vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đang ở trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Đây là vấn đề đáng quan tâm, vì trong môi trường trầm tích mềm này, sự kết hợp giữa đê biển – rừng ngập mặn là lựa chọn ưu tiên cho một hệ thống bảo vệ bờ biển bền vững với chi phí xây dựng và bảo trì vừa phải.

Đồng bằng sông Cửu Long không thể chỉ dựa vào hệ thống đê biển, do hệ thống đê này có thể bị xói lở và chịu các tác động trực tiếp của sóng biển, cũng như không thể ngăn chặn được hiện tượng xói lở bờ biển. Sự suy thoái tự nhiên hiện nay là kết quả của một quá trình lâu dài, bao gồm tác động từ sự thiếu hụt phù sa ở khu vực thượng nguồn sông Mekong (do khai thác cát, xây đập), cũng như nhu cầu sử dụng đất ở vùng ven sẽ đẩy đê dần sát ra biển hơn, để lại vùng triều quá ngắn cho rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, những hạn chế trong công tác quản lý nước và khai thác quá mức nước ngầm dẫn đến đất sụt lún, tác động nghiêm trọng gấp 4 – 5 lần so với mực nước biển dâng.

Một vành đai rừng ngập mặn – được trồng mới hoàn toàn hoặc một phần – sẽ góp phần giảm thiểu những thách thức này, nhưng quan trọng vẫn là các biện pháp bảo vệ vùng ven biển. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, sức ép còn đến từ ngành nuôi tôm nội đồng và yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý nước.

Rừng ngập mặn là giải pháp tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: TL.

Do vậy, Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận tổng thể để tạo ra các điều kiện thích hợp và dài hạn cho cơ sở hạ tầng màu xanh – xám bảo vệ vùng ven biển. Trong đó, các vấn đề về trầm tích, khai thác cát, sụt lún đất, tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản cũng như quản lý rừng ngập mặn đều cần phải có một cách tiếp cận lâu dài, thống nhất và kiên trì. Điều này phù hợp với định hướng phát triển bền vững tại Nghị quyết 120 (ban hành năm 2017) và dự thảo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (năm 2022), cũng như rong các Quy hoạch tổng thể của địa phương.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan thuộc chính phủ và 5 tỉnh tham gia dự án đã cùng thảo luận để hoàn thiện đề xuất dự án, tăng tính khả thi cho quá trình triển khai sau này và phục vụ cho việc điều chỉnh quy hoạch và thực hiện các dự án rừng ngập mặn. Qua đó, nâng cao vai trò của sáng kiến trồng rừng ngập mặn trong quy hoạch tổng thể của Đồng bằng sông Cửu Long.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long tăng sức chống chịu vùng ven biển bằng các khu rừng ngập mặn