Đồng bằng sông Cứu Long triển khai nhiều giải pháp ứng phó xâm nhập mặn

Ngọc Ánh (t/h)|25/12/2019 10:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp, dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng, khả năng cao xâm nhập mặn sẽ gia tăng. ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng này.

Tại địa điểm nằm cách cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khoảng 75km, trong đợt hạn mặn lịch sử 2015 – 2016, mặn đã xâm nhập sâu qua đây. Theo các nhà khí tượng, năm nay mặn cũng sẽ vượt qua mốc này, có thể uy hiếp vùng trung tâm thành phố Cần Thơ. Theo Tổng cục Thủy lợi, từ giữa tháng 12/2019, xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền 40 – 50km, cao hơn năm 2016 khoảng 3 – 5km. Vào tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4o/oo xâm nhập sâu vào đất liền 55 – 110km, cao hơn từ 3 – 7km so với năm hạn mặn lịch sử.

Ngay trong tháng 12/2019, ranh mặn 4g/lít sẽ xâm nhập vào đất liền ở các địa phương ven biển từ 20 – 30km; sau đó, mặn tiếp tục tấn công mạnh hơn 40 – 67km, gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trước tình hình trên, các tỉnh ĐBSCL đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh thành của ĐBSCL gồm: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Bên cạnh đó, dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL rất hạn chế, có khả năng thiếu hụt khoảng 30 – 45%. Do đó, hạn hán sẽ gay gắt và khả năng bù nước ngọt cho các vùng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người cho rằng ĐBSCL không thể thiếu nước ngọt. Điều này chỉ đúng khi người dân nơi đây có giải pháp trữ nước ngọt vào mùa khô hạn. Ngay thời điểm này, khi nước chưa nhiễm mặn, chính quyền các địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, đang khẩn trương nạo vét kênh mương dẫn nước ngọt vào nội đồng dự trữ. Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn như: nạo vét kênh Nàng Rền, Tam Sóc – Bố Thảo, xây mới cống Ngan Rô, Ba Rẹt, đê biển Vĩnh Châu với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi đã đầu tư cũng như rà soát, vận hành hiệu quả các cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt, chủ động nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.

Có thể thấy rằng, rủi ro hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất cao và có nguy cơ gay gắt, thậm chí ở mức khốc liệt. Chính vì vậy, các địa phương cần bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Giải pháp trước mắt nhằm đối phó tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần đẩy mạnh thay đổi cơ cấu sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Trong cơ cấu nông nghiệp trước đây là lúa – thủy sản – cây ăn quả, thì theo định hướng hiện nay là thủy sản – cây ăn quả – lúa.

Chủ động phòng tránh hạn mặn, năm nay các tỉnh thành đã điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm hơn mọi năm từ 10 – 15 ngày. Do đó, công tác ứng phó cũng nhẹ lo hơn phần nào. Riêng với diện tích đến nay chưa xuống giống, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên cắt vụ.

Không chỉ đảm bảo sản xuất, các tỉnh ven biển ĐBSCL còn phải giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử 2015 – 2016, nhiều giải pháp đã được triển khai để đưa nước sạch đến với những vùng khó khăn. Tỉnh Sóc Trăng đã nâng cấp, mở rộng 720km ống cấp nước, xây mới 3 trạm. Còn tỉnh Tiền Giang triển khai phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho 100% hộ dân, kể cả mở vòi nước công cộng phục vụ bà con. Ngoài nỗ lực cung cấp nước sạch, các địa phương khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, nhất là giữ vệ sinh nguồn nước đảm bảo phục vụ tốt cho bà con vùng hạn mặn.

Dự báo hạn mặn năm nay sẽ tương đương, thậm chí gay gắt hơn đợt hạn mặn lịch sử cách đây vài năm. Do vậy, người dân ở các vùng có nguy cơ cao phải chủ động ứng phó, thích nghi bởi chỉ cần 1 giờ, 1 ngày chủ quan, lơ là với hạn mặn, những thiệt hại nặng nề về sản xuất, sinh hoạt có thể sẽ xảy ra.

Đồng thời phải thường xuyên báo cáo và cung cấp thông tin độ mặn, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, dân sinh về Tổng cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; tham khảo thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cung cấp hàng tuần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng bằng sông Cứu Long triển khai nhiều giải pháp ứng phó xâm nhập mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.