Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ đối mặt với hạn mặn nghiêm trọng

Hồng Minh (T/h)|11/12/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ giữa tháng 12/2019 mặn có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 35 – 45 km tính từ cửa sông, cao hơn năm 2016 từ 3 – 5 km.

Tại hội thảo “Xây dựng khả năng chống chịu hạn hán ở Đông Nam Á – Đối thoại quốc gia: Hành động sớm để giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh phía Nam – Việt Nam” diễn ra ngày 10/12 tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2020 sẽ rất nghiêm trọng và có thể tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016.

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 10/2019 lượng mưa vùng thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35-40%; vùng trung và hạ lưu ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2015 khoảng 10-15%. Điều này, dẫn đến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long hiện đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 – 0,7m, chỉ ở mức tương đương cùng kỳ năm 2015.

Trung tâm này cũng dự báo, dòng chảy sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 rất hạn chế, có khả năng thiếu hụt khoảng 30-45%. Chính vì vậy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối diện với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, diễn ra sớm và sâu hơn. Đặc biệt là ở các địa phương ven biển của vùng như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang.

Hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2020 có thể tương đương năm 2016, Ảnh minh họa

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ giữa tháng 12/2019 mặn có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 35 – 45 km tính từ cửa sông, cao hơn năm 2016 từ 3 – 5 km; tháng 1 và 2/2020 ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng lên đến 55 – 110 km, cao hơn năm 2016 từ 3-7 km.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay lượng mưa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh và nguồn nước cũng đang suy giảm.

Để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn năm 2019-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo kịp thời; trong đó, Bộ trưởng đã ban hành chỉ thị gửi cho các tỉnh, thành phố để triển khai các phương án ứng phó.

Theo ông Sơn, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức các hội nghị về việc tổ chức xuống giống sớm vụ Đông Xuân để né hạn, mặn ở khu vực này; đồng thời, Bộ cũng có những chỉ đạo cụ thể cho các vụ mùa tiếp theo, đặc biệt là tích trữ nước trong hệ thống kênh rạch, ở các hộ gia đình. Cùng với đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi chủ động vận hành những công trình này để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai khuyến cáo các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và người dân cần được biết những thông tin này. Trên cơ sở đó, từ các cấp chính quyền đến người dân sẽ có các giải pháp để chủ động ứng phó ngay trong mùa khô đầu năm 2020. Trong dài hạn, ông Sơn cho rằng, vai trò của chính quyền là vô cùng quan trọng. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, lựa chọn các giải pháp chủ động thích ứng.

“Hiện, Bộ và các địa phương đang hành động quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ trong ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trước đó, ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, hạn mặn vào mùa khô 2019-2020 sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng có thể sẽ ít nguy hiểm so với mùa khô 2015-2016.

Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết, chế độ thủy triều của sông Mê Kông năm nay rất đặc biệt, dị thường. Cụ thể, vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2019, tại các trạm Kratie, Stung Treng (Campuchia), Pakse (Lào), mưc nước đang ở mức thấp nhất lịch sử.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 9, mực nước đã lên vượt mức cao nhất từng được ghi nhận rồi nhanh chóng xuống thấp như trước đó. Chính tình hình mưa bão bất thường ở thượng nguồn đã gây nên hiện tượng trên.

Ngoài ra, Biển Hồ – nơi đóng vai trò trữ nước đang bị bồi lắng, lượng nước ít hơn trước, cùng với Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún khiến nước từ Biển Hồ khi vào Việt Nam sẽ chảy thoát ra biển nhanh hơn, không giữ lâu được.

“Từ những yếu tố trên, nếu sang năm 2020 không có mưa trái mùa thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với một đợt hạn hán, xâm nhập mặn khá gay gắt. Có thể tương đương hoặc nặng nề hơn năm 2016” – ông Vinh nói.

Để ứng phó với dự báo bất lợi về hạn hán, xâm nhập mặn, các giải pháp được các chuyên gia đưa ra là điều chỉnh cơ cấu mùa vụ; không trồng lúa ở vùng có nguy cơ hạn, mặn cao; vận hành hợp lý các công trình thủy lợi phù hợp thực tế; thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn để chủ động ứng phó; chủ động tích trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Liên quan vấn đề này, trước đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong điều kiện bình thường, diện tích lúa Đông Xuân hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu ha. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích canh tác dự kiến còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm 50.000 ha để chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại nếu xâm nhập mặn diễn ra như dự báo.

Cùng với đó, khung thời vụ đã được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10/2019. Cụ thể, những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… xuống giống sớm trong tháng 10 với diện tích khoảng 400.000 ha, tăng hơn cùng kỳ khoảng 150.000 ha. Trong tháng 11 và 12/2019 lần lượt xuống giống tiếp 700.000 và 400.000 ha. Một số vùng xuống giống muộn thì phải kết thúc việc xuống giống từ ngày 10/1/2020.

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc bố trí lại thời vụ và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN phối hợp tổ chức.

Hồng Minh (T/h)

Bài liên quan
  • Đồng bằng sông Cửu Long: Những cảnh báo nóng
    Moitruong.net.vn – Đồng bằng sông Cửu Long đang chìm, đất đang sụt lún, nước biển dâng, nguồn nước ngầm khan hiếm…Các biện pháp ứng phó để phát triển bền vững rất cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ đối mặt với hạn mặn nghiêm trọng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.