Sáng ngày mai 31/5, Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ tiến hành đào hệ thống cống của Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (gọi tắt là Công ty Mauri) để làm rõ tình trạng gây ô nhiễm liên tục trong thời gian qua.
Công ty Mauri nằm cách làng bè La Ngà – nơi xảy ra vụ cá nuôi trên sông của người dân vừa qua chết hàng loạt- vài trăm mét. Là tác nhân gây ô nhiễm trong vùng, trong việc tìm nguyên nhân gây ô nhiễm khiến cá chết, người dân không loại trừ công ty này trong danh sách nghi ngờ thủ phạm.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho hay, việc này sẽ làm rõ được tố cáo của người dân về hệ thống cống ngầm nhiều năm nay, kiểm tra giám sát hệ thống xả thải của công ty có đúng quy định hay không.
Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, công việc khai quật sẽ diễn ra trong khoảng 1 ngày, có sự giám sát của các bên. Kết quả hiện trạng sẽ được thông tin công khai.
Trước đó, ngày 28/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở khẩn trương xác định nguyên nhân cá chết và triển khai các biện pháp xử lý triệt để. Phó Thủ tướng lưu ý trường hợp nguyên nhân cá chết là do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các nguồn thải lớn ra sông La Ngà, đặc biệt là các trường hợp có đơn thư tố cáo của nhân dân; tiến hành thu gom, xử lý cá chết kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2019.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động bám sát tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong việc thực hiện.
Công ty Mauri là đơn vị thuộc diện “giám sát nóng” về môi trường tại tỉnh Đồng Nai. Công ty Mauri hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu bánh kẹo, được cấp phép đặt nhà máy tại xã La Ngà từ năm 2000. Trong gần 20 năm hoạt động, nhà máy này bị người dân nhiều lần phản ứng dữ dội vì gây ô nhiễm trong vùng. 2 lần nhà máy bị buộc tạm ngừng hoạt động để khắc phục vào các năm 2009 và 2011, sau đó hoạt động lại.
UBND tỉnh Đồng Nai từng có định hướng di dời nhà máy của công ty nếu tình trạng ô nhiễm không được khắc phục. Nhưng sau đó, công ty cho tiến hành xây dựng nhà máy xử lý chất thải nên được tiếp tục hoạt động.
Ngọc Ánh (t/h)