Đồng Nai sẽ dừng chôn lấp chất thải rắn trực tiếp vào năm 2030

Minh Châu|15/03/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua tỉnh Đồng Nai có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Nỗ lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp, hạn chế tối đa và tiến tới không chôn lấp chất thải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Ngày 14/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị triển khai Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh (Đề án).

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua tỉnh có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Hiện hầu hết các khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải các loại theo quy định. Ở vùng nông thôn bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y được thu gom, xử lý đúng cách, môi trường chăn nuôi ngày một tốt hơn.

chon-lap-rac-thai.jpg
Ảnh minh họa.

Đối với rác sinh hoạt, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý cải thiện, tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt của tỉnh đạt dưới 15%; không còn các bãi rác tự phát, không còn xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.

Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp; hạn chế tối đa tiến tới không chôn lấp chất thải; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án trên. Quá trình triển khai thực hiện cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thu gom và xử lý, chủ nguồn thải.

Đề án đặt ra các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 có 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt và 100% đơn vị vận chuyển đồng bộ phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác; 100% trạm trung chuyển chất thải được đầu tư xây dựng, cải tạo phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường. Giảm tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải còn 70%.

Đến năm 2030, tất cả khu xử lý chất thải sinh hoạt chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện, chấm dứt chôn lấp chất thải rắn trực tiếp. Giảm tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải còn 70%.

Tại hội nghị, các bên đã trao đổi giải pháp tuyên truyền nội dung Đề án đến từng hộ gia đình; áp dụng quy định xử phạt không phân loại rác sinh hoạt, bỏ rác không đúng quy định; xử lý rác phát sinh trên các tuyến đường giao thông…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai sẽ dừng chôn lấp chất thải rắn trực tiếp vào năm 2030