Đồng Nai: Sẽ dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm

Hà Hương (T/h)|15/08/2019 07:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 14-8, Đoàn kiểm tra UBND tỉnh Đồng Nai đã về kiểm tra hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại suối Tam Bung và hoạt động xử lý rác thải của Nhà máy xử lý rác thải tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất).

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường lấy mẫu phân tích lại chất lượng nước tại suối Tam Bung; minh bạch thông tin cho người dân biết đây có phải là nguồn ô nhiễm từng gây nên tình trạng cá chết ở sông La Ngà hay không.

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu địa phương phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, cơ sở nào không đảm bảo về xử lý chất thải chăn nuôi, đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước sẽ không đủ điều kiện tiếp tục chăn nuôi. Các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực này cũng phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh làm việc tại huyện Thống Nhất. Ảnh Báo Đồng Nai

Hiện dọc suối Tam Bung đi qua địa bàn huyện Thống Nhất có 45 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động với tổng đàn trên 18 ngàn con heo. Thời gian qua, địa phương đã tập trung công tác quản lý, giám sát không để các chuồng trại chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các trại chăn nuôi nói trên cũng phải làm cam kết không được tái đàn; hộ nào còn vi phạm xả thải ra môi trường đều bị xử phạt hành chính.

Riêng huyện Định Quán hiện chỉ có một nhà máy chế biến nông sản hoạt động ở khu vực suối Tam Bung và doanh nghiệp này đã hoàn thành việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Theo UBND huyện Thống Nhất, thời gian qua, nhiều người dân ở gần khu vực Nhà máy xử lý rác thải tại xã Quang Trung phản ánh vấn đề ô nhiễm mùi. Hiện nhà máy này đang tiếp nhận xử lý rác thải của 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với công suất 800 tấn/ngày.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá cao nỗ lực của Nhà máy xử lý rác thải trong việc đối thoại với người dân và đưa ra nhiều giải pháp xử lý, hạn chế mùi hôi, gây ảnh hưởng đến người dân. Việc tăng công suất của nhà máy phải tính toán lộ trình sao cho đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Thống Nhất tăng cường công tác đối thoại với dân; tổ chức cho người dân tham gia giám sát và lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến người dân phản ánh về vấn đề môi trường.

Hà Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng Nai: Sẽ dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.