Hiện tại, chưa đến mùa mưa bão, tốc độ sạt lở thấp, các địa phương là điểm nóng của sạt lở trong năm 2018 như thành phố Cao Lãnh đã và đang bắt tay vào nạo vét lòng sông, điều chỉnh lại dòng chảy để hạn chế sạt lở.
Qua thống kê của phòng Kinh tế thành phố Cao Lãnh, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở cặp sông Tiền thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh diễn biến nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân. Có những nơi sạt lở ăn sâu vào đất liền đến 50m, có điểm sạt lở cả đường nhựa, đường bê tông ảnh hưởng đến giao thông của người dân.
Tổng chiều dài sạt lở ghi nhận đến thời điểm hiện tại là khoảng 10 km, vị trí sạt lở chủ yếu xảy ra ở các xã Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, Hòa An, Tịnh Thới và phường 6. Sạt lở khiến 76 hộ phải di dời, hơn 100 hộ nằm trong vành đai sạt lở cần phải di dời.
Để phòng chống sạt lở khu vực trọng điểm, địa phương đã tiến hành xây dựng kè dọc sông Tiền thuộc địa phận xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, chiều dài kè 1.500 m, tổng mức đầu tư 121 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, tháng 10/2018, UBND thành phố Cao Lãnh đã có văn bản đề xuất thực hiện dự án nạo vét sông Cao Lãnh với tổng chiều dài nạo vét khoảng 15 km và tổng vốn đầu tư hơn 81 tỷ đồng nhằm khơi thông dòng chảy.
Hiện tại đơn vị thi công thực hiện dự án nạo vét sông đã tiến hành khai thác tại vị trí bãi bồi Tân Thuận Tây, vị trí tiếp giáp với điểm sạt lở nghiêm trọng thuộc địa bàn ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông.
Ông Lê Nhựt Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông cho biết: Đa phần người dân đồng thuận với chủ trương nạo vét lòng sông để giảm áp lực nước dồn về phía đầu cù lao xã Tân Thuận Đông, qua đó hạn chế việc sạt lở như thời gian qua.
Tuy nhiên, chính quyền xã cũng như bà con mong muốn rằng việc khai thác phải đảm bảo đúng vị trí cho phép, có khoảng cách phù hợp và thời gian khai thác hợp lý, để ít tác động đến nền địa chất của địa phương.
Do căn nhà đã rơi hẳn xuống sông trong mùa lũ năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Dần ngụ ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông sống tạm trong mái lều để bám trụ canh tác gần 4.000 m2 vườn cây ăn trái còn lại đang ở “bờ vực thẳm”. Ông Dần cho biết, trong 3 năm gần đây, tốc độ sạt lở ở đây diễn biến rất nhanh, chỉ trong con nước năm 2018, sạt lở ăn sâu vào đất liền gần 30 mét. Hiện tại, mép bờ sông phía đầu cù lao đang trong tình trạng “hẩm đứng”, thậm chí có nhiều chỗ “hàm ếch” ăn sâu, đất mất chân.
Cách nhà ông Dần không xa, điểm sạt lở đã ở ngay sau nhà bà Đặng Thị Út. Không khỏi lo lắng, bà Út cho biết, các hộ có điều kiện hầu như đã di dời đến nơi khác, các hộ có nghề nghiệp không ổn định như bà thì cố gắng bám víu sống tạm trên mồm “hà bá”.
Ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cho biết, một số vị trí sạt lở nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến giao thông công cộng như khu vực bờ sông Hổ Cứ sẽ tiến hành kè kiên cố, còn phần lớn các nơi sạt lở khác sẽ sử dụng phương án điều chỉnh dòng chảy, thông qua việc khai thác, khơi thông và phân luồng dòng chảy để hạn chế lở. Hiện tại, kè bờ sông Hổ Cứ đã hoàn tất một đoạn, đoạn còn lại khoảng 1,2 km đang tiến hành thả bao tải cát để tạo nền.
Nói về nguyên nhân sạt lở, theo ông Thương, không phủ nhận việc khai thác sẽ có ít nhiều tác động đến sạt lở. Nhưng năm 2018, diễn biến sạt lở phức tạp là do nước lũ lớn, lên nhanh, lượng phù sa về ít. Thêm vào đó, cấu tạo lòng sông có thay đổi cho nên hướng chảy, dòng chảy tạo thành các hố xoáy ăn sâu vào đất liền.
Ông Thương lấy ví dụ cụ thể, tại vàm sông Hổ Cứ, có nơi đất bồi lắng nhanh, nhưng cách đó không xa, bờ ấp Đông Bình, xã Hòa An và ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông lại đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, mặc dù chưa vào mùa mưa bão. Để hạn chế sạt lở, không cách nào khác là phải khai thác cát để khơi thông dòng chảy, chuyển hướng dòng chảy. Nếu không khai thác thì việc lở sẽ nặng nề và trầm trọng hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh cho biết thêm, dự án khai thác nạo vét lòng sông Cao Lãnh đã được UBND tỉnh Đồng Tháp thông qua vào cuối năm 2018 và bắt đầu triển khai năm 2019. Quá trình đánh giá hiện trạng lòng sông và hướng khai thác được tham vấn rất kỹ của các chuyên gia. Trong quá trình thực hiện dự án, việc khai thác bao nhiêu, khai thác như thế nào đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Điều kiện cố hữu là “vị trí khai thác phải cách bờ 50 – 60 m, thời gian khai thác từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Trong 1 tháng sẽ có đoàn khảo sát đên kiểm tra và đánh giá lòng sông để ra quyết định tiếp tục việc khai thác hay dừng.
Nguyễn Lương (T/h)