Đồng Tháp: Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2022

Trọng Huy|18/03/2022 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngay từ đầu năm 2022 tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhanh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tới 10 chủ rừng trong tỉnh.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 12 nghìn ha rừng, chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn. Hiện nay cũng đang là cao điểm mùa khô ở các tỉnh phía Nam.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp thông báo, từ nay đến 31/3/2022, dự báo cháy rừng cấp IV (nguy hiểm) có khả năng cháy lớn ở 3 khu vực gồm: Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười; Trại Động Cát ở huyện Tháp Mười; Gò Cát, Gò Trâu, Gò Lau vôi, Gò Tre phân khu A1 và phân khu A5,A4,A3 của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 khu vực dự báo cháy rừng cấp III, cấp có khả năng dễ cháy. Đa số rừng đều tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp.

Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa khô năm 2022, tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh nâng cao tinh thần cảnh giác trong công tác bảo vệ rừng, chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm – công an – quân sự tại địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép như bẫy bắt động vật rừng, phá rừng, khai thác thủy sản, sử dụng lửa bắt ong gây cháy rừng…

Ảnh minh họa

Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, vận hành các máy bơm chữa cháy đảm bảo hoạt động tốt, tổ chức triển khai xuống các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao vào đầu mùa khô, đảm bảo xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng; vệ sinh vật liệu cháy trong rừng, ven rừng, các tuyến đê bao, tạo đường băng trắng để hạn chế tình trạng cháy lan từ khu vực đồng cỏ vào rừng; nạo vét thông thoáng kênh mương, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị chữa cháy khi xảy ra cháy rừng; phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, theo phương châm “4 tại chỗ”. Tỉnh yêu cầu các chủ rừng chủ động lợi dụng triều cường đưa nước vào rừng, những nơi có điều kiện tiến hành bơm nước để tăng độ ẩm trong rừng và dự trữ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy rừng.

Thời gian qua, một số đơn vị đã triển khai tốt và chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông đã lắp đặt được camera an ninh ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện nhanh khi có cháy xảy ra. Rừng tràm Gáo Giồng ở huyện Cao Lãnh có nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng hiệu quả như tạo đường băng trắng, đường băng xanh, trạm bơm nước sẵn sàng trong rừng để phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo dự báo, trong tháng 3/2022 các tỉnh Nam bộ xuất hiện mưa trái mùa nhưng lượng mưa không lớn; ngày nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp cùng với mực nước tại kênh rạch thấp và nhiều vật liệu dễ cháy như cỏ, lá cây, cành nhánh dưới tán rừng khô… nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ông Thành đề nghị các chủ rừng thường xuyên vận hành máy chữa cháy có tải 2 lần/tuần; phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy cơ sở, trạm chốt, đài quan sát để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trọng Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng Tháp: Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2022
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.