Theo đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu khí đốt toàn cầu chậm lại đáng kể trong giai đoạn từ năm 2022-2026.
Báo cáo Triển vọng thị trường khí đốt trung hạn hàng năm của IEA cho thấy nhu cầu khí đốt toàn cầu đang trên đà tăng trung bình hàng năm là 1,6% từ năm 2022 đến năm 2026, chậm hơn so với mức tăng trung bình hàng năm là 2,5% trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến năm 2021.
Xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào năm ngoái đã khiến nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu giảm, gây ra cuộc chạy đua về nguồn cung cấp năng lượng thay thế.
Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt nói chung từ các thị trường trưởng thành ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và được dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026.
IEA cũng cho biết thêm tăng trưởng nhu cầu khí đốt sẽ tập trung chủ yếu ở các thị trường đang phát triển nhanh ở châu Á và các nước nhiều khí đốt ở châu Phi và Trung Đông.
Bên cạnh đó, chỉ riêng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa tổng mức tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu từ nay đến năm 2026, khi quốc gia này dựa vào nhiên liệu này để phục vụ sản xuất công nghiệp, ngành điện và khu vực đô thị.
Việc tăng công suất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới được đưa vào sử dụng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến động lực thị trường vào năm 2025 và 2026 bằng cách giảm bớt một số hạn chế và giải phóng nhu cầu nhạy cảm về giá.
Theo IEA, đối với các thành viên châu Âu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu khí đốt được dự báo giảm 5% trong năm 2023. Điều này phần lớn là do ngành điện của các nước này đã giảm mạnh lượng tiêu thụ khí đốt trong khi mở rộng phát triển năng lượng tái tạo.
Trong báo cáo, IEA một lần nữa kêu gọi các nước giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt thông qua các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh triển khai các dự án năng lượng tái tạo và thay đổi hành vi.