Tổng cục Du lịch Việt Nam đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch với lộ trình phù hợp, chủ động và linh hoạt trong tình hình dịch Covid-19. Dự kiến, ngành du lịch sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022.
Chiều ngày 6/10, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đồng chủ trì hội nghị trực tuyến bàn về việc mở cửa lại du lịch quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, từ năm 2019 trở về trước, du lịch Việt Nam luôn tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Kết quả này có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn của các cơ quan ngoại giao, góp phần kết nối, lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa, du lịch Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Do đó, khi đã kiểm soát cơ bản được dịch, việc khởi động lại du lịch là cần thiết.
Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chương trình làm việc với các địa phương và doanh nghiệp nhằm tái khởi động hoạt động du lịch nội địa sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bước sang giai đoạn chung sống an toàn với Covid-19.
Ngành du lịch đang từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Ảnh: VGP
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch đang thực hiện công tác chuẩn bị thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây là bước mở màn, nếu tổ chức thành công sẽ tạo cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước hết sẽ khôi phục hoạt động du lịch tại các khu vực có nguy cơ thấp “cấp 1- điểm đến an toàn”, tiến tới “kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch”, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong thời gian từ tháng 10/2021, tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro…
Bên cạnh đó, cần xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.
Tiếp đó, triển khai đón khách nội địa từ tháng 11/2022 đối với các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn (tiêm vaccine, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID), bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.
Thùy Trang