(Moitruong.net.vn) – Với những con số đạt được khá ấn tượng trên tất cả các chỉ tiêu, năm 2017 được xem là năm khởi sắc của ngành du lịch Đồng Tháp, góp phần thực hiện Nghị quyết lần thứ X của Tỉnh ủy Đồng Tháp đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế quan trọng, thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
>>>
Khách tham quan tại làng Hòa An xưa thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, năm 2017, tổng thu từ du lịch và lượt khách đều đạt tốc độ tăng trưởng cao và vượt so với kế hoạch đề ra, cụ thể, năm qua, có trên 3,3 triệu lượt khách đến với Đồng Tháp, đạt 122,22 % kế hoạch năm, tăng 23,19% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 80.000 khách quốc tế, đạt 114,28% kế hoạch năm, tăng 16,42% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu du lịch đạt trên 650 tỷ đồng, đạt 130,04% kế hoạch năm, tăng 33,26 % so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch 450 tỷ đồng, gần cán đích mục tiêu Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 là đón 3,5 triệu lượt khách vào năm 2020.
Nhìn lại một năm qua, mặc dù tình hình kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm đặc biệt, tập trung lãnh đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành, các địa phương, các đơn vị, khu điểm du lịch nên du lịch Đồng Tháp vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận thông qua hai chỉ tiêu trên. Có được kết quả đáng phấn khởi trên, trong năm Ngành đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tham mưu UBND Tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị về quản lý phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 118/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ lãi suất vay đối với các cá nhân, đơn vị phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Năm 2017 cũng là năm du lịch Đồng Tháp tập trung đào tạo nhân lực khi tổ chức 05 lớp kỹ năng nghề, 05 lớp bồi dưỡng về kiến thức du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm cho lực lượng lao động đang công tác tại các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu, điểm du lịch, nhà hàng khách sạn trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo gắn với từng loại hình dịch vụ du lịch và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở, đào tạo về các kỹ năng nghề du lịch, các nghiệp vụ cần thiết phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Đặc biệt là đào tạo về kiến thức phát triển du lịch cộng đồng cho các hộ dân tham gia khai thác dịch vụ du lịch và dịch vụ bổ trợ cho du lịch, nhằm tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch, qua đó chất lượng phục vụ du khách từng bước được nâng lên. Sở VHTTDL phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong ngành và phong phú sản phẩm du lịch địa phương.
Nhiều sản phẩm du lịch mới hình thành và đưa vào khai thác thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm, tạo sự đa dạng, phong phú cho các loại hình du lịch được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm 2017, Đồng Tháp phát triển được 03 mô hình du lịch homestay và 01 điểm vui chơi giải trí, trải nghiệm tại Làng hoa kiểng Sa Đéc được khách trong và ngoài nước đánh giá cao; khai trương thêm 02 điểm tham quan vườn cây ăn trái ở huyện Lai Vung, Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông TP. Cao Lãnh đã từng bước nâng cao kỹ năng phục vụ và xây dựng được tour mẫu.
Chất lượng du lịch ngày càng được Đồng Tháp quan tâm và đẩy mạnh thu hút khách du lịch
Chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch được nâng lên. Các khu điểm du lịch trọng điểm đều đã bổ sung dịch vụ, mở rộng hoạt động khai thác, tăng lượng khách đến và doanh thu du lịch Khu du lịch Tràm Chim đưa vào khai thác dịch vụ ngắm hoa Hoàng Đầu Ấn, hoa Nhĩ Cán Tím; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng khai trương khu trải nghiệm biểu diễn ẩm thực; Lai Vung khai trương vườn Thanh Long Ba Vững, TP. Sa Đéc đưa vào hoạt động 2 mô hình du lịch homestay: Ngôi nhà Hoa Ếch, Ngôi nhà tre và 1 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí Happy Land Hùng Thy…
Công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương được đẩy mạnh. Phối hợp tổ chức thành công chuỗi sự kiện Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp tại TP. Sa Đéc; tổ chức Hội nghị triển khai chính sách về phát triển du lịch của Tỉnh, các Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, tổ chức cho 16 cơ sở lưu trú ký cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú và 21 cơ sở lưu trú ký kết hợp tác với Booking.Com để bán phòng trực tuyến qua mạng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Sen Đồng Tháp nhằm truyền tải thông điệp “Đồng Tháp – thuần khiết như hồn sen”, phát huy giá trị, giới thiệu hình ảnh sản vật đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp góp phần quảng bá du lịch và kêu gọi đầu tư, tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp – Đất Sen hồng.
Công tác xúc tiến du lịch được củng cố và tăng cường cả quy mô, phạm vị hoạt động và chất lượng. Xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm và đinh hướng hình ảnh, thị trường mục tiêu rõ ràng Tham gia quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Tháp tại Ngày Hội du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM tại Hà Nội và Festival Đờn ca tài tử Quốc gia Bình Dương năm 2017, Tuần lễ APEC…mang lại hiệu quả tích cực. Công tác quảng bá được thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu, có hiểu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương Phối hợp thực hiện Chương trình “ S – Việt Nam – Một Việt Nam kỳ diệu” tại tỉnh Đồng Tháp, VTV, HTV, VOV, Kênh truyền hình nhân dân, Báo Đầu tư và Time out, Tạp chí du lịch, Tạp chí Doanh nghiệp,…tạo điểm nhấn đặc trưng về Đồng Tháp với nhiều sản phẩm đa dạng, chương trình du lịch hấp dẫn, các hoạt động thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu về xứ sở đất Sen Hồng.
Ngoài ra, Ngành luôn chú trọng công tác tăng cường liên kết vùng để phát triển sản phẩm mới và ký kết nối tour, tuyến du lịch liên tỉnh Nổi bật hình thành tour du lịch nhiều địa phương một điểm đến, nhiều quốc gia một điển đến. Đặc biệt là các tuyến chiến lược 5 địa phương một điểm đến (Long An – Tiền Giang – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang), kết nối TPHCM với Tiểu vùng Đồng Tháp Mười ký kết tour “Một hành trình, ba điểm đến” nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển du lịch của các địa phương, tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng và tạo mối quan hệ gắn kết với các thành viên trong cụm nói riêng và các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL nói chung để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển du lịch địa phương tạo sức hấp dẫn thu hút khách.
Nguyễn Toàn