Môi trường du lịch

Du lịch Thanh Hoá: Phát triển bền vững, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam

Nguyễn Trường 20:21 12/01/2025

Với hướng đi đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch tỉnh Thanh Hoá đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngành du lịch khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

anh-6.jpg
Pù Luông - điểm đến trải nghiệm quen thuộc của du khách mỗi khi về với Thanh Hóa

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn. Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

anh-8.jpg
Du lịch biển của Thanh Hóa ngày càng khẳng định được thương hiệu với việc tận dụng tốt lợi thế và không ngừng đầu tư, nâng tầm

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch… đã hình thành nên các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); bản Hiêu, bản Đôn (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy); bản Ngàm (huyện Quan Sơn)…

Những con số ấn tượng khẳng định vị thế của du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam

Năm 2024 là năm đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đã được hình thành, đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch như: Tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Ibiza (Hoằng Hóa); Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, công viên nước Sun World, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (TP Sầm Sơn); phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hoá Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa); các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa...

anh-7.jpg
Di tích Thành nhà Hồ ngày càng thu hút khách du lịch

Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công 145 sự kiện VH,TT&DL tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Tổng số khách du lịch đạt 15,3 triệu lượt, đạt 110,9% kế hoạch; tổng thu du lịch ước đạt 33,815 nghìn tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch.

Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đón 16 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 45,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2025 sẽ là năm thứ 4 liên tiếp ngành du lịch Thanh Hóa phát động các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đăng ký và tổ chức các sự kiện, hoạt động nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã công bố 150 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2025. Trong đó có 89 sự kiện văn hoá, 25 sự kiện thể thao và 36 sự kiện du lịch được tổ chức xuyên suốt bốn mùa nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, góp phần thực hiện hóa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, sự tăng trưởng của ngành Du lịch Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người lao động tại các khu, điểm du lịch; đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Du lịch Thanh Hoá: Phát triển bền vững, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.