Thanh Hóa nỗ lực đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản vào nền nếp
Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.
“Mạnh tay” với những sai phạm
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Thanh Hóa, tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt hành chính với số tiền 2.357.134.800 đồng, đối với các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong đó hành vi vi phạm khai thác ngoài mốc giới, quá trữ lượng chiếm phần lớn. Một số vụ việc điển hình: UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 898/QĐ-XPHC, xử phạt công ty CP Công nghệ mỏ Thanh Hóa, số tiền 500.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động 5,5 tháng; với hành vi vi phạm khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 126/GP-UBND ngày 3/4/2017 từ 100 % trở lên (cụ thể: năm 2022 vượt 321 %, năm 2023 vượt 80,6 %, trung bình 2 năm vượt 200,8 %). Cũng với hành vi vi phạm khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác 14.108 m2; Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn, Mỏ đá tại xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt tại Quyết định số 658/QĐ-XPHC, ngày 06/02/2024, với số tiền 350 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 11 tháng;…
Ngoài ra, nhiều sai phạm có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, đã được Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, xử lý. Điển hình, tháng 6/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với lực lượng chức năng mật phục, bắt quả tang 5 thuyền đang tiến hành hút cát trái phép trên lòng sống Mã, đoạn qua thị trấn Quý Lộc huyện Yên Định (Thanh Hóa). Công an tỉnh Thanh Hóa sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những cá nhân có liên quan về tội “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Qua đó xác định, mỏ cát số 41 được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho Công ty cổ phần thương mại Đức Lộc. Sau đó, công ty này đã nhượng quyền khai thác cho Lê Thị Loan và Trịnh Xuân Thành. Từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2022, Thoan, Thành và Giang đã huy động hàng chục tàu khai thác cát vượt công suất mỏ (Công suất khai thác ban đầu của mỏ cát số 41 là 20.000m3/năm, điều chỉnh còn 10.000m3/năm vào ngày 18/9/2019). Tổng số cát khai thác vượt công suốt trong thời gian trên là hơn 1 triệu m3, có giá trị hơn 95 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở TNMT Thanh Hóa, đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm một số đơn vị, cá nhân khai thác trái phép, khai thác ngoài mốc giới mỏ được cấp, khai thác vượt công suất; cụ thể, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền 2,619 tỷ đồng. Trong năm 2023, Sở TNMT Thanh Hóa cũng đã tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với 26 đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều cuộc qua phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Chấn chỉnh tình trạng tận thu khoáng sản
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với việc tận thu vật liệu thải trong quá trình thi công theo phương án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công văn số 252/UBND-CN ngày 6/1/2022 và Công văn số 7829/UBND-CN ngày 4/6/2024.
Theo đó, yêu cầu việc xây dựng phương án chống sạt lở, hạ thấp độ cao chỉ được phép thực hiện ở những khu vực thực sự cần thiết, bắt buộc phải thực hiện và phải theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo việc thực hiện tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, đời sống của Nhân dân trong khu vực.
Nghiêm cấm việc lợi dụng tận thu để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải yêu cầu dừng ngay để khắc phục kịp thời và làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các phương án, dự án có tận thu đất thải để làm vật liệu san lấp tại các khu vực, trong đó tập trung đánh giá hiệu quả, mục tiêu đạt được của việc thực hiện phương án, dự án; đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung công việc liên quan đến công tác quản lý của địa phương để hoàn thành phương án, dự án; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quá trình tận thu vật liệu thải.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, UBND các huyện, thị xã, thành phố có ý kiến đề xuất việc tiếp tục hay dừng thực hiện phương án, dự án đang còn thời hạn và giải quyết các tồn tại đối với các phương án, dự án đã hết hạn. Đồng thời nếu phát hiện các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan phải khẩn trương xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thông qua Sở TN&MT kết quả thực hiện trước ngày 5/10/2024.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Cục Thuế tỉnh kiểm tra rà roát, có ý kiến về sản lượng khoáng sản đã kê khai, nộp thuế và nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (bao gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan. Đề xuất xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định).
Trên cơ sở tổng hợp, báo cáo của Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, tình hình thực tế và các chỉ đạo có liên quan của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.