Thanh Hóa từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với nhiều tiềm năng, du lịch Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trong phát triển kinh tế. Định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa và các địa phương lân cận sẽ là một trong những khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam.
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía nam, Thanh Hóa là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc. Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn du khách.
Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa có nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn (TX. Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến biển Sầm Sơn nằm cách TP. Thanh Hóa 16km về phía đông nam. Đây là một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam, được người Pháp khai thác từ những năm đầu thế kỷ 20. Chạy dài gần 6km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, Sầm Sơn có bãi cát thoai thoải, sóng mạnh, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải, rất tốt cho sức khoẻ con người. Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên...
Bên cạnh tài nguyên biển, Thanh Hóa còn có tài nguyên rừng phong phú với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm. Có thể điểm tên những địa chỉ nổi bật: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; đặc biệt, vườn quốc gia Bến En thuộc huyện Như Xuân và Như Thanh, cách thành phố Thanh Hóa 36km về phía tây nam. Với tổng diện tích gần 15.000ha, Bến En không chỉ bao gồm quần thể núi, rừng, sông, hồ đa dạng, đặc biệt là hồ sông Mực rộng gần 4.000ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ mà còn có nhiều hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Vườn quốc gia Bến En là nơi cư trú của 1.460 loài động vật và 1.417 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: sói đỏ, phượng hoàng đất, gấu ngựa, báo lửa...; lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương... Đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách tham gia các hoạt động dã ngoại, cắm trại, câu cá, bắt cua… hay thăm các bản làng của người Mường, Thái.
Thanh Hóa cũng được biết đến như là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được Thanh Hóa bảo tồn, phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Cầu Hàm Rồng,…
Ngành du lịch khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội.
Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn. Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.
Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch… đã hình thành nên các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); bản Hiêu, bản Đôn (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy); bản Ngàm (huyện Quan Sơn)…
Từ năm 2023, nhất là trong những tháng cao điểm du lịch hè, Thanh Hóa mạnh dạn đưa nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các họat động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch Sầm Sơn); tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn…(thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn (khu du lịch Hải Tiến)... đã tạo nên sức cạnh tranh sản phẩm du lịch với các tỉnh.
Theo dữ liệu của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, với việc tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, cùng với đưa vào khai thác đa dạng sản phẩm du lịch, vui chơi, giải trí đẳng cấp... đã góp phần đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của miền Bắc, tạo nên những kỳ nghỉ lễ với lượng khách ấn tượng từ đầu năm đến nay. Qua đó góp phần nâng tổng thu du lịch 9 tháng năm 2024 ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 98,6% kế hoạch năm 2024. Đáng chú ý, lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa từ đầu năm đến nay cũng tăng 22,7% so với năm 2023, ước đạt 551 nghìn lượt khách; tổng thu từ khách quốc tế ước đạt trên 285,4 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,7% kế hoạch năm 2024.
Thanh Hóa sẽ là khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam
Theo Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 13.6.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hoá cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành một khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam.
Cụ thể, Quy hoạch đã xác định phát triển không gian du lịch Việt Nam đến năm 2045 gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch Quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, 6 khu vực động lực phát triển du lịch gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận; TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu; Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau. Trong đó, Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.
Cụ thể, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: Du lịch "Con đường di sản miền Trung"; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc.