Đưa sếu đầu đỏ về Đồng Tháp

Minh Lâm|15/11/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa 2 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Vườn quốc gia Tràm Chim vào đầu tháng 12.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án như nêu trên nhằm mục tiêu phục hồi và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên; trong 10 năm (2022-2032), nuôi 100 cá thể sếu với ít nhất 50 con sống sót; đàn sếu thả ra môi trường tự nhiên có thể sinh sản và tồn tại.

Ngày 14/11 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại khu vực nuôi thả sếu cùng các hạng mục công trình phục vụ đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

seu-dau-do.jpg
Đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh đã đến Thái Lan đàm phán việc hỗ trợ hai con sếu đầu đỏ phục vụ cho công tác truyền thông và khởi động đề án vào đầu tháng 12 tới.

Qua khảo sát, ông Lê Quốc Phong yêu cầu Vườn quốc gia Tràm Chim khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phương án chăm sóc sếu, các thủ tục hợp tác bảo tồn sếu như biên bản thỏa thuận ghi nhớ về bảo tồn sếu đầu đỏ nhằm phục vụ cho các bước tiếp theo của đề án.

Song song đó, Vườn quốc gia Tràm Chim quy hoạch ngay khu vực bố trí nơi du khách tham quan sếu. Quá trình bố trí khu vực tham quan phải cho hợp lý, nhờ chuyên gia tư vấn để không ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống của sếu.

Dự kiến trước lễ công bố đề án ngày 14/12 tới, hai con sếu đầu đỏ từ Thái Lan sẽ được đưa về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích vùng lõi hơn 7.300 héc ta, là đại diện cho hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên còn lại của vùng Đồng Tháp Mười xưa. Đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.Vườn quốc gia Tràm Chim có khoảng 232 loài chim, trong đó, có 32 loài quý hiếm; có 16 loài nằm trong sách đỏ của IUCN, trong đó, có sếu đầu đỏ.Sách đỏ IUCN (IUCN Red List of Threatened Species hay IUCN Red List) được bắt đầu từ năm 1964, là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động, thực vật trên thế giới. Sách đỏ IUCN sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hàng ngàn loài và phân loài. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, IUCN).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sếu đầu đỏ về Đồng Tháp