Có dịp cùng lực lượng Kiểm lâm Bắc Giang đi dập lửa rừng, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi gian nan, vất vả mà các anh trải qua để cứu rừng, cứu tài sản của nhân dân, cứu tài nguyên của đất nước. Điển hình, chập tối ngày 11/02/2019, nhận được tin báo, xảy ra vụ cháy rừng trên dãy núi Nham Biền, thuộc địa bàn xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã huy động toàn bộ quân số tại Văn phòng Chi cục, nòng cốt là Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cùng các công cụ chuyên dụng như máy thổi gió, vỉ dập lửa… Nhanh chóng cơ động đến ngay hiện trường để chiến đấu với “giặc lửa”.

– Khi cháy rừng, bất chấp ngọn lửa hung hãn, những cán bộ Kiểm lâm vẫn phải lao vào biển lửa để cứu rừng. Những giọt mồ hôi của các anh rơi xuống đã làm cho rừng được hồi sinh.

>>> Huế: “Ngày chủ nhật xanh” cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

>>> Cảnh báo hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên

Nỗ lực cứu rừng trên dãy núi Nham Biền, Bắc Giang

Tới chân núi Nham Biền, do trời tối, núi cao, địa hình hiểm trở, thảm thực vật dày, khiến chúng tôi khó khăn lắm mới tiếp cận được đám cháy rừng. Khi tiếp cận đám cháy, cảnh tượng hãi hùng là ngọn lửa bốc lên rất cao, cháy ngùn ngụt, sáng rực cả bầu trời, trải dài như một con quái vật muốn nuốt chửng cả khu rừng. Hiện trường rừng đang bị cháy là rừng trồng phòng hộ, loài cây chủ yếu là keo, thông có đường kính bình quân từ 8 – 14cm, chiều cao vút ngọn bình quân từ 6 – 12m, với thảm thực vật chủ yếu là cây giàng giàng dày, rậm. Cùng với đó, hàng chục cán bộ, chiến sỹ Công an, Kiểm lâm, Quân sự, Dân quân tự vệ cùng đông đảo người dân địa phương đã được huy động tham gia dập lửa cứu rừng.

Với chiếc loa cầm tay, đồng chí Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm luôn xung kích ở những nơi nguy hiểm nhất, để trực tiếp chỉ huy chữa cháy. Qua kinh nghiệm chữa cháy rừng nhiều năm, đồng chí Huy đã chỉ đạo các lực lượng tham gia chữa cháy chia ra làm nhiều mũi, sử dụng tất cả các công cụ thủ công và cơ giới như cành cây tươi, vỉ dập lửa, máy thổi gió… Tác động trực tiếp vào đám cháy, với quyết tâm khống chế, ngăn chặn và dập tắt sớm nhất các đám cháy để cứu rừng. Các anh thay nhau dùng những chiếc vỉ dập lửa, cành cây tươi “tả xung hữu đột”, nỗ lực chạy đua với thời gian, không để đám cháy lan rộng.

Nỗ lực cứu rừng trên dãy núi Nham Biền, Bắc Giang

Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, bất chấp sức nóng tỏa ra hừng hực, lửa táp rát mặt, nhiều cán bộ Kiểm lâm, chiến sỹ Công an quần, áo, gương mặt bị sạm đen vì khói bụi, người mệt lả, mồ hôi ướt đẫm, với những dụng cụ thô sơ, nhưng các anh đã “vào trận” với quyết tâm cao, bởi sự dũng cảm, kiên cường, đoàn kết hiệp đồng ăn ý, bao vây phong tỏa ngọn lửa, phát quang tạo vành đai an toàn bảo vệ những lô rừng chưa bị cháy. Đến 22 giờ 30 phút, đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Sau khi dập tắt vụ cháy rừng, đồng chí Huy tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tham gia chữa cháy tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trường vụ cháy, tổ chức trực tại chỗ đề phòng lửa cháy lại.

Khoảng 01 giờ sáng, chúng tôi được lệnh rút quân xuống chân núi, trời tối đen như mực, nhiều chiếc đèn dã cạn kiệt pin, với địa hình hiểm trở, suối sâu, dốc cao kèm sỏi đá trơn trượt, lại phải mang vác những công cụ chữa cháy trên vai, nên chúng tôi phải di chuyển từng bước. Khi xuống được chân núi, mọi người ai nấy đều mệt mỏi dã rời. Nhưng niềm vui lớn lao là sớm dập tắt đám cháy, không để đám cháy lan rộng, đã bảo vệ được diện tích rừng phòng hộ quý giá còn lại là công sức gìn giữ nhiều năm của bao người.

 Khi cháy rừng, bất kể hoàn cảnh nào, những cán bộ Kiểm lâm luôn “vào trận” với quyết tâm cao nhất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh với “giặc lửa” để cứu rừng, cứu tài sản của nhân dân, cứu tài nguyên của đất nước. Trong quá trình chữa cháy rừng, những giọt mồ hôi của các anh rơi xuống, đã làm cho rừng được hồi sinh, góp phần giữ cho rừng mãi thêm xanh.

 “Công tác chữa cháy rừng trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Bởi, thông thường khi có đám cháy xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản. Nhưng nếu không phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển lớn, công tác tổ chức chữa cháy rất khó khăn, phức tạp và dẫn đến thiệt hại rất nghiêm trọng. Do đó, phải huy động lực lượng toàn dân tham gia, mỗi thôn có diện tích rừng phải thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy. Lực lượng này phải được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện kỹ, để có đủ khả năng làm tốt công tác phòng ngừa và tổ chức sẵn sàng chữa cháy tại chỗ kịp thời, có hiệu quả.”, đồng chí Từ Quốc Huy cho biết.

Dương Đại Tiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dũng cảm trên mặt trận chống “giặc lửa”