(Moitruong.net.vn) – Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về tình hình bệnh tật do nhiệt điện than gây ra, số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030.
Cụ thể, trên VOV đưa tin, một báo cáo mới được công bố gần đây của Đại học Harvard và tổ chức Greenpeace International cho biết, khí thải từ đốt than ở các nước Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần từ nay cho đến năm 2030 và khiến hàng chục ngàn người chết mỗi năm trong khu vực, chủ yếu tại các nước Indonesia và Việt Nam. Và số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030.
Thông báo của Greenpeace đưa ra hồi tuần trước cho biết, nếu những nhà máy than đang trong kế hoạch được Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn tiến hành xây dựng theo dự kiến ở khu vực Đông Nam Á thì mỗi năm sẽ có khoảng 70.000 người chết vì ô nhiễm than. Con số này hiện nay được ước tính là 20.000 người.
Trong buổi hội thảo “Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khoẻ cộng đồng” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – Tổ chức điều phối liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) – Tổ chức điều phối Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo những ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em.
Ô nhiễm không khí xuất phát từ rất nhiều nguồn, từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, các nhà máy nhiệt điện chạy than. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu chính xác xác định được đâu là nguyên nhân hàng đầu.
Theo Báo điện tử VOV, trong một dự án thí điểm ở Hà Nam (8/2016 – 7/2017), nhóm khảo sát đã tiến hành khám lâm sàng cho 54 trẻ em dưới 5 tuổi và 69 người trên 65 tuổi ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Địa điểm này được biết nằm cách Nhà máy Nhiệt điện than Ninh Bình 14km về phía Tây Nam, có nhiều nhà máy sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng khác.
Qua kết quả khám lâm sàng cho thấy 70% số người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh hô hấp hoặc tim mạch. Tỷ lệ bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em tương đương nhóm trẻ em bị phơi nhiễm ở khu vực ô nhiễm nặng trong các nghiên cứu quốc tế khác.
Thậm chí, ThS. BS Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, chuyên gia về Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em chia sẻ: “Một xã đô thị hạng 5 ở tỉnh Hà Nam 1 năm có tới 79 người chết, từ già đến trẻ, mà có tới 39 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư phổi”.
Theo thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động sử dụng nguồn than trong nước khoảng 20 triệu tấn mỗi năm, và theo một ước tính, các nhà máy này thải ra trên ba triệu tấn xỉ than hàng năm, bên cạnh một lượng tro bay lớn gấp vài ba lần.
Không những ở Việt Nam, trên thế giới hiện nay nhiệt điện than vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn, vì những nguồn năng lượng khác chưa thể thay thế được, mặc dù người ta đang muốn thay thế nó bằng năng lượng tái tạo. Do đó, nhiệt điện than còn tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gian năm 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3 năm 2016), Việt Nam sẽ phát triển các nhà máy nhiệt điện than với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu.
Trong đó, khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 45.800 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.
Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm Điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An… sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, và gần 35 triệu tấn tro đáy hàng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay. Và chính những điều này đã góp phần làm gia tăng số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than.
Theo Quỳnh Chi (VTC/TH)